Bố trí, tuyển dụng giáo viên còn vướng mắc
- Cập nhật: Thứ hai, 25/3/2013 | 10:12:19 AM
YBĐT - Thực hiện kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh, Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện công tác xây dựng trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú giai đoạn 2010- 2013 tại huyện Văn Chấn và Trạm Tấu.
Đoàn giám sát nắm bắt việc dạy và học tại Trường PTDT bán trú
tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công- Trạm Tấu.
|
Giám sát tại một số xã và trường PTDT nội trú, bán trú trên địa bàn huyện Văn Chấn và Trạm Tấu cho thấy, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh bán trú, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các trường PTDT bán trú, nội trú.
Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần tạo chuyển biến tích cực, đạt những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương.
Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh và Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng trường PTDT bán trú và các chính sách liên quan, 2 huyện đã huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phổ cập giáo dục tiểu học- trung học cơ sở (TH-THCS) ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Năm học 2012- 2013, huyện Văn Chấn có 8 đơn vị trường phổ thông có học sinh bán trú, 1 trường PTDT nội trú; tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Huyện Trạm Tấu có 10 trường PTDT bán trú TH-THCS, 1 trường PTDT nội trú; tỷ lệ học sinh được hưởng chế độ bán trú trên 67%; tỷ lệ học sinh chuyện cần đạt trên 93%...
Quá trình giám sát các cơ sở và làm việc với chính quyền, các phòng chức năng của địa phương các thành viên đoàn giám sát đã làm rõ một số vấn đề khó khăn vướng mắc trong thực hiện, triển khai chính sách xây dựng trường PTDT bán trú, nội trú.
Theo đó, các địa phương chưa ban hành các văn bản cụ thể, đồng bộ về qui định hệ thống hồ sơ, sổ sách để quản lý trường PTDT bán trú, dẫn đến khâu tổ chức chưa đồng bộ; một số nơi chưa huy động hết sự đóng góp của nhân dân mà chỉ trông vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh chậm đến với học sinh.
Công tác quản lý và giáo dục học sinh ở các trường bán trú còn chưa bài bản, chưa khoa học; kế hoạch, thời gian biểu giảng dạy 2 buổi/ngày chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất trong huyện. Cơ sở vật chất tuy được đầu tư khang trang hơn nhưng vẫn còn thiếu phòng học, phòng ở cho giáo viên, học sinh, trong khi nhu cầu ăn ở bán trú lớn, dẫn tới tình trạng quá tải tại nhiều trường.
Đoàn giám sát kiểm tra công tác giáo dục trẻ em tại Trường mầm
non xã Nậm Mười - Văn Chấn.
Công tác xét tuyển học sinh bán trú còn gặp vướng mắc, qui định khoảng cách từ nhà đến trường đối với học sinh được học bán trú chưa phù hợp với địa bàn vùng cao khó khăn. Đặc biệt, công tác tuyển dụng, bố trí giáo viên, nhân viên hiện đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc tạm dừng hợp đồng giáo viên theo công văn của tỉnh chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng khiến một số trường thiếu giáo viên nhưng không thể ký hợp đồng tiếp
nên chưa bố trí đủ giáo viên, có ngành học như giáo viên mầm non không có nguồn để tuyển dụng…
Cũng tại huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, Ban Văn hóa- xã hội HĐND tỉnh đã giám sát tình hình triển khai thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSTE) giai đoạn 2004- 2012. Qua giám sát cho thấy, công tác triển khai thi hành Luật BVCSTE được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện tốt.
Các huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác BVCSTE, chỉ đạo các ngành phối hợp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm đặc biệt, huyện Trạm Tấu có 3.995 trẻ được đi học, đạt trên 71%; huyện Văn Chấn có 122 em khuyết tật được đi khám phẫu thuật, 350 em được nhận đỡ đầu; triển khai 2 mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Các địa phương đều đã tổ chức vận động, huy động gây quỹ bảo trợ trẻ em đạt hiệu quả thiết thực. Đoàn giám sát đã tập trung làm rõ thêm một số nguyên nhân, tồn tại, khó khăn trong công tác BVCSTE như: Công tác chỉ đạo điều hành, công tác tuyên truyền vận động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác.
Nhất là làm rõ một số mục tiêu BVCSTE chưa đạt so với tiêu chí xây dựng như tỷ lệ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; hạn chế về cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí cho trẻ em…
Cũng qua giám sát và trên cơ sở thực tế, các địa phương đã có kiến nghị, đề xuất với các cấp, ngành bổ sung cho các xã, thị trấn cán bộ làm công tác BVCSTE, thiết lập lại hệ thống cộng tác viên thôn, bản; tăng cường kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình BVCSTE, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE ở cơ sở.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Cuối tuần qua, đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã chủ trì Hội nghị phổ biến, triển khai Nghị định 92/2012/NĐ - CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 92) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
YBĐT - Họ là những cán bộ đoàn thể ở xã, bí thư chi bộ, trưởng bản ở huyện vùng cao Mù Cang Chải không chỉ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng mà còn gương mẫu trong mọi phong trào.
Ông Bùi Thế Cường - Thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn):
Tại buổi làm việc với T.Ư Đoàn sáng 24-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã quyết định đồng ý đầu tư xây dựng mạng xã hội cho thanh niên.