Thường trực HĐND tỉnh: Giám sát thực hiện hai nhiệm vụ lớn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2013 | 9:35:30 AM

YBĐT - Thực hiện kế hoạch giám sát năm 2013 của HĐND tỉnh Yên Bái, cuối tháng 3 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái đã bắt đầu triển khai giám sát Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh tham gia cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thường trực HĐND tỉnh tham gia cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đây là chuyên đề giám sát dài hơi đến hết quý III năm 2013 với mục tiêu đánh giá tình hình triển khai, kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển GTNT từ khi thực hiện đến nay.

Theo kế hoạch, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát trực tiếp tại một số sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, các phòng, ban liên quan; đi kiểm tra thực tế tại 2 đến 3 xã ở mỗi huyện, một số công trình đồng thời tiếp xúc với người sử dụng, hưởng lợi từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển GTNT.

Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Giao thông - Vận tải và tại huyện Trấn Yên. Tại các điểm giám sát, các địa phương cũng như các ngành báo cáo đầy đủ nội dung đoàn giám sát yêu cầu.

Tại huyện Trấn Yên, thực hiện Đề án phát triển GTNT năm 2012 đã bê tông kiên cố 23,17km đường, bằng 115,8% kế hoạch, vượt 3,17km so với kế hoạch tỉnh giao; mở mới 17,04km đường đất, đạt 100% kế hoạch. Năm 2013, huyện đang tích cực triển khai thực hiện Đề án theo kế hoạch.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng vấp phải những khó khăn, huyện đã có đề xuất với đoàn giám sát như: cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong công tác lập cơ cấu dự toán đối với Đề án phát triển GTNT để các đơn vị thực hiện dự án áp dụng đúng theo quy trình xây dựng cơ bản; mở các lớp hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn cập nhật kịp thời thông tin, giúp cho việc triển khai Đề án được thống nhất và đúng quy định; đề nghị các ngành liên quan của tỉnh phối hợp thống nhất trong quá trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên quan làm căn cứ thực hiện theo quy định...

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm thực hiện, huyện Trấn Yên đã đạt những kết quả nhất định, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Để việc triển khai được thuận lợi và hiệu quả hơn, huyện cũng đã đề xuất một số kiến nghị như: tăng nguồn kinh phí; có hướng dẫn cụ thể thực hiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp từ chương trình; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với những xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách và chương trình đầu tư đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên trách trong quản lý Nhà nước về xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã...

Báo cáo với đoàn giám sát, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá, sau 2 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả tương đối nổi bật. Bộ máy triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh được xây dựng, kiện toàn hoàn thành; đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai chương trình và đạt được một số kết quả về xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất; xuất hiện nhiều điển hình tham gia và vận động tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động đối với các chương trình xã hội hóa để cùng với các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; công tác quy hoạch hoàn thành; số tiêu chí đạt thêm của các xã tăng...

Sở cũng đã có kiến nghị cụ thể với đoàn giám sát: đề nghị Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để có cơ sở định hướng trong quá trình triển khai thực hiện; đề nghị HĐND tỉnh sớm thông qua về định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với một số hạng mục về xây dựng nông thôn mới để các xã có căn cứ triển khai thực hiện...

Đối với Đề án phát triển GTNT, qua báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 130,1km/120km theo kế hoạch, đạt 108% và mở mới 348km, đạt 100% kế hoạch, trong đó kinh phí Nhà nước là 104 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 79,78 tỷ đồng.

Là năm đầu tiên thực hiện Đề án nên không tránh khỏi những khó khăn về vốn, cách thức thực hiện, huy động nguồn lực của các tầng lớp xã hội và nhân dân; các hình thức cũng như cơ chế xây dựng trong Đề án chưa đề cập hết các trường hợp như cơ chế hỗ trợ các công trình thoát nước, công tác nghiệm thu thanh toán, cơ chế đóng góp của người dân; các doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực sự vào cuộc...

Từ đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh cần có kế hoạch triển khai, giao vốn sớm để các địa phương sớm triển khai thực hiện; quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật đối với cán bộ xã; với các công trình mở mới, một số tuyến đường gặp vách đá liền khối không thể thi công thủ công, đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí bổ sung thuốc nổ phá đá...

Đó là những khó khăn, bất cập nảy sinh mà thông qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã nắm bắt, tập hợp để kiến nghị các giải pháp thực hiện thực sự có hiệu quả đối với hai nhiệm vụ lớn của tỉnh là Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển GTNT.

 Ngọc Tú

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên là nguồn kế cận trẻ của Đảng ở Lương Thịnh.
Ảnh: Các đoàn viên thanh niên mua thỏ giống từ trang trại của ông Vũ Huy Quang, thôn Luơng Môn, xã Lương Thịnh về phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Bước sang nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhất là trong 3 năm trở lại đây, năm nào Lương Thịnh cũng được nhận giấy khen vì đã có thành tích trong công tác phát triển Đảng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 2 dự thảo Luật.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, chiều nay (11/4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về 2 dự thảo Luật: Luật Phòng chống thiên tai và Luật Khoa học và Công nghệ.

YBĐT - Ngày 11/4, Tỉnh uỷ Yên Bái đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh thông tin về tình hình nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi.

Mặc dù trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, song trong giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã bố trí nguồn cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục