Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:21:36 PM
YBĐT - Người Việt Nam xưa gọi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ.
|
Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái tên Pracel, Parcel hay Paracels. Về sau, với những tiến bộ về khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt được có hai quần đảo: quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Đến năm 1787 - 1788, cách đây hai trăm năm, đoàn khảo sát Kergariou - Locmaria mới xác định được rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Hoàng Sa như hiện nay, từ đó, phân biệt quần đảo này với quần đảo Trường Sa ở phía Nam.
Hai quần đảo mà các bản đồ hàng hải quốc tế ngày nay ghi là Paracels và Spratley hoặc Spratly chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa (cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.
Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm (nay là cửa Đại thuộc tỉnh Quảng Nam) đến cửa Sa Vinh (nay là cửa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi), mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy, … có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói cả, hàng hóa thì đều để lại nơi đó”. Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ - bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
Phủ biên tạp lục - cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép ro: “đảo Đại Trường Sa (tức Trường Sa và Hoàng Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi: xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”.
Đại Nam thống nhất toàn đồ - bản đồ nước Việt Nam đời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838, ghi “Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đại Nam nhất thống chí - bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc Sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) soạn xong năm 1882 ghi Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Đoạn nói về hình thể tỉnh Quảng Ngãi, cuốn sách viết: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi, có đảo cát (tức đảo Hoàng Sa) liền cát với biển làm hào; phía Tây Nam miền sơn man, có lũy dài vững vàng, phía Nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn…”.
Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam”.
Nguyễn Chí Dân (Biên soạn)
Các tin khác
YBĐT - Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có những chuyển biến tích cực trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
YBĐT - Xã Dế Xu Phình có 6 thôn, 355 hộ dân của 7 dòng họ người Mông cùng chung sống. Đối với tộc người này, từ xa xưa, vai trò của trưởng dòng họ luôn được những thành viên trong dòng họ rất coi trọng.
YBĐT - Đường về Hồng Bàng - Đại Đồng không còn gian nan như trước, từ quốc lộ 70 đường mới san đỏ ối men theo những tán rừng xanh mượt, qua những nếp nhà mới xây đến cuối thôn là nhà của thương binh Lương Viết Huấn, một ngôi nhà gỗ mộc mạc đến đơn sơ giữa một khu vườn rộng.
YBĐT - Đọc những dòng chữ viết vội trong cuốn nhật ký hành quân của nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, từng là lính của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972, tôi hiểu thêm phần nào về sự khốc liệt của chiến tranh; càng thêm tự hào về một thời hoa lửa hào hùng, lãng mạn nhưng đầy gian khổ, hy sinh của lớp cha anh đi trước.