Những năm tháng không quên
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:31:16 PM
YBĐT - Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gác tay súng trở về với cuộc sống đời thường nhưng với những người lính sống trong một thời máu lửa ấy đó vẫn là những năm tháng không thể nào quên. Ông Nguyễn Hoàng Phương (tổ 34, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) là một trong những người lính như thế.
Ông Phương chăm sóc vườn tùng La Hán.
|
Mái tóc ông Phương giờ đã bạc trắng khi bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông luôn coi những ngày đánh Mỹ là những năm tháng đẹp nhất, sôi nổi nhất của cuộc đời. Câu chuyện về những năm tháng hào hùng đó tưởng như không bao giờ dứt, về quãng đường suốt 3 tháng trời ngày đi, đêm nghỉ, vượt Trường Sơn vào đến miền Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Lật giở lại những kỷ niệm, ông bảo: “Lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 18 tuổi, lại là con độc nhất trong gia đình, quân đội chưa lấy đến, phải viết đơn tình nguyện bằng máu, bố mẹ đưa ra tận nơi tuyển quân mới được nhập ngũ đấy. Thế hệ chúng tôi là như thế, dẫu biết gian khổ và hy sinh nhưng vẫn sẵn sàng lên đường. Điều đó cho thấy chính sách tuyên truyền tuyệt vời của Đảng ta”.
Những năm tháng đánh Mỹ, chàng lính trẻ đặc công đã tham gia vào những trận chiến đầy ác liệt như: chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.... Bộ đội đặc công là lực lượng tinh binh của quân đội, với phương châm “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, chân đếm” luôn đi trước một bước, đối mặt với đầy hiểm nguy.
Đến bây giờ ông không thể nào quên được những đêm ngủ rừng, bom rơi đạn nổ ngay bên cạnh, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh hay hình ảnh những cánh rừng bị rải chất độc màu da cam trụi hết lá, những mùa mưa nước ngập trắng mênh mông… Ấn tượng sâu sắc nhất không thể nào phai là khi chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông bảo: “Có những trận chiến đấu một tiểu đoàn hơn 400 người chỉ còn lại 20 người, một đại đội 12 người chỉ còn lại 4 người, hy sinh nhiều lắm”.
Thế mới biết sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá của độc lập, tự do đã phải trả bằng máu của nhiều thế hệ. Những ngày ông nhớ nhất là những ngày tháng 4 năm 1975. Ký ức về những năm tháng sục sôi đó như ùa về trong ông: “Đúng là thời điểm đó phải gọi một ngày bằng cả 20 năm. Cả nước sục sôi khí thế để giải phóng miền Nam, quân ta đi như nước chảy, dường như tất cả mọi người đều ra trận, tất cả vì độc lập, vì hòa bình”. Chiến tranh kết thúc, ông được công nhận là dũng sỹ diệt Mỹ với nhiều huân chương, huy chương.
Như nhiều người lính khác, trở về với cuộc sống đời thường đầy vất vả, lo toan. Cuộc sống đời thường cũng là một thử thách với người lính. Nếu như trong chiến đấu người lính cần sự gan dạ thì trong cuộc sống đời thường họ lại cần sự chịu thương, chịu khó, biết vượt lên đói nghèo. Trên mảnh đất của gia đình, ông cùng vợ con trồng 2ha keo, mấy chiếc ao dùng để thả cá, mảnh vườn nuôi gà, nuôi lợn.
5 năm trở lại đây, ông Phương có một đam mê trồng tùng La Hán, niềm đam mê đó đã thôi thúc ông trồng 1.400 cây, nếu mỗi cây thời điểm này giá vài trăm nghìn đồng, nhẩm tính vườn cây cũng cho thu hàng trăm triệu đồng. Nhiều người ngạc nhiên bởi ở cái tuổi ông lại đam mê trồng loại cây lâu năm này, ông cười bảo: “Trải qua cuộc đời lính, tôi còn được sống trở về đã là một may mắn lớn. Những người lính chúng tôi chiến đấu cho tương lai, vì vậy, trồng cây dù mình có chưa được thu hoạch thì đã cũng là dành cho thế hệ con cháu”.
Giờ tuổi đã cao, những lúc rảnh rỗi, người cựu binh già lại dành thời gian cùng đồng đội đi thăm lại chiến trường xưa để nhớ về một thời hoa đỏ, thắp cho đồng đội đã anh dũng hy sinh nén hương thơm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9. Mới đây ông đã trở lại chiến trường cũ Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) để tìm lại đồng đội đã tự tay chôn cất 40 năm về trước như một sự tri ân.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Người Việt Nam xưa gọi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ.
YBĐT - Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có những chuyển biến tích cực trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
YBĐT - Xã Dế Xu Phình có 6 thôn, 355 hộ dân của 7 dòng họ người Mông cùng chung sống. Đối với tộc người này, từ xa xưa, vai trò của trưởng dòng họ luôn được những thành viên trong dòng họ rất coi trọng.
YBĐT - Đường về Hồng Bàng - Đại Đồng không còn gian nan như trước, từ quốc lộ 70 đường mới san đỏ ối men theo những tán rừng xanh mượt, qua những nếp nhà mới xây đến cuối thôn là nhà của thương binh Lương Viết Huấn, một ngôi nhà gỗ mộc mạc đến đơn sơ giữa một khu vườn rộng.