Giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:33:24 PM
YBĐT - Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống đạo đức và lối sống cho học sinh hiện nay không chỉ dừng lại ở các chương, điều trong sách vở mà quan trọng là phải giáo dục bằng chiều sâu lịch sử... Đó là khẳng định của cô giáo Đỗ Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái.
Phần thi của Chi đoàn 12E năm 2011.
|
Những ngày cuối tháng 4 tới thăm Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái không chỉ thấy một không khí học tập say sưa, nghiêm túc mà còn thấy cả sự sôi nổi, háo hức của các học sinh đang chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, những tiểu phẩm cho buổi ngoại khóa có chủ đề “Bài ca người lính” được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. E
m Hồ Mỹ Linh – học sinh lớp 12A hồ hởi cho biết: “Ba năm được học tập dưới mái trường mang tên nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc Hoàng Quốc Việt, hàng năm chúng em được tham gia rất nhiều những hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường tổ chức, đặc biệt là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 30/4, năm nay với chủ đề “Bài ca người lính”, lớp em xây dựng 2 tiết mục văn nghệ tham gia giao lưu, với các bạn trong trường. Qua những bài hát, những tiểu phẩm các bạn mang tới buổi giao lưu chúng em càng hiểu hơn về truyền thống cách mạng lịch sử của cha ông, thêm yêu quê hương đất nước và đặc biệt sẽ ý thức hơn trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức của học sinh. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc giáo dục truyền thống dân tộc trong nhà trường càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chú trọng từ những bài giảng của các môn học cho tới những hoạt động ngoại khóa.
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống đạo đức và lối sống cho học sinh hiện nay không chỉ dừng lại ở các chương, điều trong sách vở mà quan trọng là phải giáo dục bằng chiều sâu lịch sử, những truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, bằng những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Do đó hàng năm vào những ngày kỷ niệm của đất nước mà đặc biệt là ngày 30/4, nhà trường mời những cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, những người thật việc thật đến nói chuyện, giao lưu với học sinh giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam”. Thông qua những đợt sinh hoạt chính trị như vậy góp phần giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, lý tưởng, hoài bão cho các em.
Anh Phạm Văn Hùng – Bí thư Đoàn trường cho biết: “Các hoạt động ngoại khóa của nhà trường được Đảng ủy, Ban giám hiệu giao cho Đoàn thanh niên, chúng tôi phải xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng tháng, bám sát vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ của đất nước. Như hoạt động tháng 4 chúng tôi bám sát vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để xây dựng chương trình hoạt động”.
Vào dịp này năm học trước, Đoàn trường đã xây dựng một chương trình thi tìm hiểu truyền thống cách mạng lịch sử của dân tộc với hai phần thi kiến thức và năng khiếu. Ở phần thi kiến thức, các đội đại diện cho các lớp học tham gia trả lời những câu hỏi hiểu biết lịch sử. Còn ở phần thi năng khiếu, các em thể hiện tài năng rất phong phú thông qua các thể loại thơ, kịch, hát.
Em Lê Quốc Việt còn rất phấn chấn khi nói về cuộc thi năm ngoái: “Vui lắm ạ! Vì là cuộc thi lớn của nhà trường nên chúng em nghiên cứu kỹ về lịch sử, đầu tư công sức cho vở kịch. Chúng em đã tìm gặp những người cựu chiến binh để trò chuyện nhờ các bác tư vấn”.
Cô giáo Mai Hồng Vân - tổ trưởng tổ Sử, Địa cho biết: “Qua phần thi kiến thức, các em thể hiện được những hiểu biết lịch sử, phải có sự tìm hiểu nghiên cứu các em mới có thể trả lời được những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra. Có thể nói đây là cách mà các em tiếp thu kiến thức lịch sử hết sức hiệu quả”. Có lẽ chính vì vậy mà Trường THPT Hoàng Quốc Việt luôn có một đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử hùng hậu và năm nào cũng đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Còn dịp tháng 4 năm nay, Trường tổ chức hoạt động ngoại khóa giao lưu văn nghệ, mời cán bộ lão thành, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố... tới để nói chuyện ôn lại truyền thống cách mạng cho các em học sinh. Kế hoạch đã được Đoàn trường xây dựng từ đầu tháng và triển khai tới các chi đoàn lớp. Đến nay công tác chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ kỷ niệm ngày 30/4 của các em học sinh đã hoàn tất, các em phấn khởi chờ đón một dịp thể hiện tài năng, hiểu biết và hơn hết là tình yêu quê hương đất nước.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gác tay súng trở về với cuộc sống đời thường nhưng với những người lính sống trong một thời máu lửa ấy đó vẫn là những năm tháng không thể nào quên. Ông Nguyễn Hoàng Phương (tổ 34, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) là một trong những người lính như thế.
YBĐT - Người Việt Nam xưa gọi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ.
YBĐT - Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có những chuyển biến tích cực trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
YBĐT - Xã Dế Xu Phình có 6 thôn, 355 hộ dân của 7 dòng họ người Mông cùng chung sống. Đối với tộc người này, từ xa xưa, vai trò của trưởng dòng họ luôn được những thành viên trong dòng họ rất coi trọng.