Dự thảo khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2013 | 9:38:06 AM

YBĐT - Sau một thời gian triển khai thực hiện, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Lục Yên tổng hợp 85 ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của 24 xã, thị trấn và 61 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.

Trong đó, 73 ý kiến nhất trí với Dự thảo, 12 ý kiến tham gia cần bổ sung, sửa đổi một số điều, cụm từ, làm rõ hơn một số nội dung. Nhìn chung, các ý kiến tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân huyện Lục Yên nhận định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Dự thảo làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; khẳng định vai trò, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, thực hiện công bằng xã hội.

Những góp ý cụ thể về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Điều 93 về sửa đổi, bổ sung Điều 103 có ghi: “Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây”, tại khoản 3: “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các tòa án khác”, cần sửa đổi, bổ sung là “Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp”, nên giữ nguyên việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp như Hiến pháp năm 1992 (chưa sửa đổi).

 Điều 108 (sửa đổi, bổ sung các điều: 129, 130, 131, 132 và 133), tại khoản 6: “Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm” quy định này cần xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung bởi lẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra về việc xây dựng, thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa thượng thẩm. Như vậy, quy định tại khoản 6, Điều 108 là chưa phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp.

Điều 109 sửa đổi, bổ sung Điều 134, tại khoản 1 và 2 cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Bộ Chính trị.

Tại khoản 1, Điều 31 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đề nghị sửa lại là: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật”. Lý do, việc khiếu nại, tố cáo là quyền của mỗi công dân nhưng phải khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và tại khoản 2 Điều này cũng quy định rõ cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận và giải quyết theo quy định pháp luật.

Khoản 1, Điều 41 quy định: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Đề nghị sửa lại cụm từ “Công dân” thành cụm từ  “Mọi người”. Lý do, nếu quy định chỉ có công dân thì sẽ hạn chế không có người khác, người nước ngoài sẽ không có quyền được bảo vệ sức khỏe và như vậy chưa phù hợp với công ước quốc tế.
Theo khoản 3, Điều 56 Dự thảo quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”, đề nghị sửa cụm từ “thừa nhận” thành “công nhận”.

Khoản 3, Điều 58 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “có quyền”, “hợp pháp” thành quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Lý do, ở đây nên quy định các trường hợp đất của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp mới gọi là thu hồi và bồi thường, còn trong thực tế các trường hợp có sử dụng đất nhưng trái pháp luật như lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích thì phải là giải phóng và không có bồi thường. Nếu Dự thảo chưa cụ thể, chỉ quy định sử dụng đất như vậy thì các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định pháp luật về đất đai khi thu hồi cũng sẽ được bồi thường.

Khoản 2, Điều 15 Dự thảo: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Trong khi đó, khoản 1, Điều 15 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nếu quy định như vậy thì khoản 2 mâu thuẫn với khoản 1, rất dễ vi phạm quyền con người.

Hiến pháp cần sửa đổi, quy định rõ về quyền con người và bổ sung vào cuối khoản 2, Điều 15 và được xác định cụ thể trong bộ luật, cụ thể: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và được xác định cụ thể trong bộ luật".

Tại Điều 22 của Dự thảo nên giữ một ý quan trọng đã được quy định tại Điều 71, Hiến pháp 1992 đó là: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật” nếu không quyền con người sẽ bị vi phạm nặng nề vì rất có thể, ai cũng sẽ bị bắt mà không cần lý do và các thủ tục pháp lý.

Điều 47 Dự thảo ghi: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Vậy thế nào là phản bội Tổ quốc? Dự thảo cần quy định rõ hơn nếu không, điều này

của Hiến pháp có nguy cơ trở thành cái cớ cho sự vi phạm nhân quyền, mặt khác sẽ dung túng cho những kẻ thực sự phản bội Tổ quốc.

Dự thảo cũng cần quyết định mở rộng đối tượng được kết hôn (những người không rõ giới tính), có như vậy mới đảm bảo quyền con người (vì hiện nay, quy định chỉ có nam - nữ kết hôn với nhau). Hiến pháp cần quy định cho phù hợp với thực tế về việc có nên quyết định hay không nên quy định kết hôn đồng giới.
Về sở hữu toàn dân về đất đai không còn phù hợp. Vì thực tế, cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước cần lấy lại đất thì bồi thường. Như vậy không còn là tài sản chung.

Sửa đổi Dự thảo ở các điều, khoản và tiết sau:

Điều 31, khoản 1: Thay cụm từ “Mọi người" bằng "Mọi công dân”.

Điều 34, khoản 1: Thay cụm từ "Mọi người" bằng "Mọi công dân".

Điều 41, khoản 1: Thay cụm từ "Công dân” bằng cụm từ "Mọi người”.

Về các quyền hoặc nghĩa vụ đối với tất cả mọi người, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thì được thể hiện bằng từ “mọi người”; đối với những quyền hoặc nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam thì Dự thảo dùng từ “công dân”.

Về chế định Viện Kiểm sát nhân dân với tư cách là một cơ quan Nhà nước nằm trong tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nói, Viện Kiểm sát là cơ quan tư pháp nhưng chưa có một văn bản pháp luật nào, kể cả Hiến pháp khẳng định điều này.

Từ chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát hiện nay là cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật và kiểm sát viên là người trực tiếp thực thi, bảo vệ pháp luật; Viện Kiểm sát và kiểm sát viên có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong hoạt động tiến hành tố tụng tư pháp vốn là những hoạt động gắn liền với hoạt động tố tụng của Tòa án, do vậy, Hiến pháp cần quy định “Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền tư pháp” cùng một nhánh quyền lực với cơ quan Tòa án. Vì vậy, Điều 112 Dự thảo nên bổ sung như sau: “Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền tư pháp, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Tại Chương XI, Điều 123 Dự thảo ghi: “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”, nên sửa lại thành: “Mọi văn bản dưới luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.

 Tại Chương VI, Điều 98: “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch”. Phần này nên bổ sung quy định thời gian nghỉ cụ thể như 6 tháng, một năm hoặc hai năm.

Chương I: Chế độ Chính trị, từ Điều 1 đến Điều 14, đề nghị bổ sung Điều 9, Điều 10: Cần nêu tên gọi của các tổ chức chính trị, xã hội hiện nay vào Điều 9 để khẳng định rõ hơn vị thế của các tổ chức chính trị, xã hội trong Hiến pháp.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25), cần nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương V: Quốc hội, từ Điều 74 đến Điều 90, đối với Điều 80, 81: Nên giữ nguyên quy định Quốc hội bầu thành viên Hội đồng, thành viên Ủy ban như trong Hiến pháp năm 1992.

Chương IX: Chính quyền địa phương, từ Điều 115 đến Điều 119, đề nghị Điều 115: Hiến pháp chỉ quy định khái quát về đơn vị hành chính lãnh thổ để tạo điều kiện cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương đồng thời đơn vị hành chính lãnh thổ gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

Tại Chương IX , Điều 115, đề nghị được mở rộng đơn vị hành chính đến cấp thôn, bản, tổ dân phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Lý - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái):

Tại khoản 1, Điều 4 của Dự thảo, đề nghị bổ sung cụm từ “chính trị duy nhất” sau cụm từ “là lực lượng”. Đọc lại đầy đủ là: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Tại Điều 6, đề nghị bổ sung cụm từ: “các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà mình tham gia” vào cuối điều này vì nhân dân thực hiện quyền lực của mình không chỉ thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước mà còn qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận bằng các hoạt động giám sát, phản biện và giám định xã hội, đóng góp ý kiến cho hoạt động Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý kiến, hiệp thương để giới thiệu người ứng cử, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh của Nhà nước. Đọc lại là: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà mình tham gia”.

Tại khoản 1, Điều 7, đề nghị bổ sung thêm từ: “dân chủ” vào trước cụm từ “trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Đọc lại là: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

K.T (thực hiện)

 Minh Tuấn

Các tin khác
Viện chăn nuôi chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như gia cầm. Tuy nhiên, các dịch cúm (H5N1, H1N1 và H7N9) đang trở thành mối lo ngại chung bởi đặc thù độc tính cao, khả năng gây tử vong lớn. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Cử tri xã Nghĩa Lợi tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc.

YBĐT - Ngày 3/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) và xã Suối Bu (huyện Văn Chấn) để lấy ý kiến chuẩn bị cho kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIII.

Đoàn đại biểu Quốc hội trao đổi nội dung kỳ họp với cử tri xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Trong 2 ngày 2 - 3/5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, do đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn, đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên và xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thăm hỏi đời sống đồng bào vùng cao.
(Ảnh: P.S)

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2013), phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái về những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục