Cần khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/6/2013 | 9:09:45 PM

YBĐT - Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống cho rằng cần khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, dẫn đến không tạo được động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua.

Ông Dương Văn Thống - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ.
Ông Dương Văn Thống - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ.

Ngày 8/6, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa ủy quyền Chính phủ trình bày dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự Luật.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường và ở tổ về dự án Luật cư trú, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và dự án Luật việc làm.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua Khen thưởng lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua Khen thưởng tập trung vào các quy định có liên quan đến một số Luật, Pháp lệnh hiện hành về các đối tượng, thẩm quyền khen thưởng như: nâng cao tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng để tránh khen thưởng theo tích lũy thành tích, trùng lắp, tràn lan. Đồng thời, quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; làm rõ về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước.

Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự kiến sửa đổi, bổ sung 44 điều, tập trung vào hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Đáng lưu ý, liên quan đến thẩm quyền quyết định công nhận danh hiệu thi đua và tặng giấy khen của Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, để đảm bảo không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “nhà nước”.

Về việc xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm xét một lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay; thời điểm xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước là 3 năm xét tặng một lần thay cho 2 năm xét một lần như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị tôn vinh.

Thời điểm xét tặng “Giải thưởng nhà nước” cũng là 5 năm một lần thay cho 2 năm một lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng một lần.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu tán thành nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng những nội dung được sửa đổi còn ít, chưa giải quyết được nhiều bức xúc của các địa phương trong quá trình quản lý dân cư.

Nhiều đại biểu bày tỏ tán thành phương án giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định định mức diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố lớn.

Có đại biểu cho rằng và kiến nghị trong dự án Luật, nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm chưa thực sự rõ ràng và chưa bao quát hết các hành vi giả mạo khác cũng với mục đích đăng ký thường trú, do đó cơ quan soạn thảo cần rà soát lại để đảm bảo tính khả thi và đầy đủ của dự luật; hoặc chỉ quy định về nguyên tắc mà không quy định kiểu liệt kê...

Trong phiên thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với những nội dung đã nêu trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng và dự án Luật việc làm.

Các ý kiến thảo luận của các đại biểu đoàn Yên Bái, Sóc Trăng, Quảng Trị và Điện Biên cho rằng: Việc hướng dẫn thực hiện luật TĐKT trong thời gian qua còn nhiều bất cập, phải sửa đổi hướng dẫn nhiều lần; việc xem xét, đánh giá công nhận các danh hiệu thi đua phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng đối tượng, tránh trường hợp cào bằng, không tạo được động lực trong các phong trào thi đua.

Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, cần khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan và hiện tượng hành chính hóa trong công tác thi đua khen thưởng, còn cứng nhắc chưa mang tính động viên kịp thời, chưa tạo động lực trong thi đua khen thưởng và Luật cần quy định cụ thể, chi tiết về thời gian để đề nghị được công nhận khen thưởng.

Đồng tình với quan điểm về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng: Đối với Điều 31 của Luật thi đua khen thưởng, đề nghị xóa bỏ điểm 4, bổ sung điểm 3 đưa thêm vào văn bản Luật; khắc phục tình trạng cấp trên tặng cấp dưới chi cho kỷ niệm chương, như vậy trái với Luật Ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Dương Văn Thống, cần quy định cụ thể trong Luật về việc trao tặng thưởng Huân chương, Huy chương Độc lập, đề nghị nghiên cứu xem xét lại và khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, dẫn đến không tạo được động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua.
 
Về dự án Luật việc làm, các đại biểu đề nghị trong Luật cần quy định và ghi rõ việc hỗ trợ chi phí cho tư vấn, đào tạo nghề, việc làm, vấn đề về hỗ trợ, trợ cấp thất nghiệp, thiếu việc làm, công khai thông tin về lao động, việc làm cho lao động ở nông thôn…

Đức Toàn

Các tin khác
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày về kết quả giám sát thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, ngày 7-6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tinh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đại diện Công ty TNHH Da seung (Hàn Quốc).

YBĐT - Ngày 7/6, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp đại diện Công ty TNHH Daeseung (Hàn Quốc) để trao đổi những thông tin cần thiết chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy may xuất khẩu tại Yên Bái.

Đồng chí Trần Văn Mộc (giữa) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn trò chuyện với nhân dân.

YBĐT - Thời gian qua, cán bộ, đảng viên ở Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều hoạt động rất thiết thực. Với chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng sâu sát cơ sở đã góp phần giúp Đảng bộ huyện lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên khai mạc.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2013 (WEF Đông Á 2013) tổ chức tại Thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục