Hôm nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh: Sẽ công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trước toàn dân
- Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2013 | 8:20:51 AM
Sáng nay (10.6), Quốc hội sẽ có một phiên họp lịch sử, để lần đầu tiên sau gần 70 năm, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hoạt động bầu cử tại Quốc hội.
|
Theo lịch, trong buổi sáng nay, Quốc hội sẽ biểu quyết danh sách, sau đó, từng đoàn ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận. Đến 15h, kết quả thảo luận sẽ được công bố trước Quốc hội và ngay sau đó Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Trong những ngày cuối tuần trước phiên bỏ phiếu, điều nhìn thấy rõ nhất là đã có sự cẩn trọng nhất định trong phát ngôn của các vị đại biểu xưa nay vẫn nổi tiếng là thẳng thắn trước những câu hỏi của báo chí liên quan đến chủ đề lấy phiếu.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nói, kết quả lấy phiếu không có gì là bí mật cả, và theo bà, đã đưa ra lấy phiếu thì cần công khai. Chỉ một lát sau đó, bị báo chí vây kín với cả “trăm câu hỏi”, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cuối cùng đã đưa ra thông điệp đáng giá nhất mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm: Kết quả lấy phiếu sẽ được công khai trước toàn dân, kể cả số phiếu bầu.
Cho đến thời điểm này, các báo cáo công tác của các chức danh đã được gửi tới các vị ĐBQH. Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến cho biết, ông cũng như các vị ĐBQH không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo, mà có rất nhiều kênh để tìm hiểu những người mà mình bỏ phiếu: Kênh cử tri nơi các vị ấy cư trú, công tác; kênh dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng; kênh nhận xét chuyên môn của những chuyên gia trong lĩnh vực. “Cử tri đều biết hết và người ta cũng đánh giá khá khách quan đối với từng vị một, từng lĩnh vực, từng ngành” - ông Tiến nói.
“Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này, còn là thử thách đối với ngay các vị ĐBQH, những người cầm lá phiếu tín nhiệm, trước cử tri mà mình đại diện, trước nhân dân cả nước” (ĐBQH Dương Trung Quốc) |
Nhà sử học Dương Trung Quốc là nhân vật được báo chí đặc biệt quan tâm, có lẽ bởi ông thường không ngại khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, nhà sử học lần này tỏ ra băn khoăn một cách trách nhiệm, bởi theo ông, vấn đề rất phức tạp khi phải đánh giá một con người, bởi cũng là một con người, một hoạt động, nhưng nhiều khi người ngoài nhìn thấy khác và người trong cuộc lại thấy khác. Hơn nữa, mỗi một hoạt động trong nhiệm vụ hiện tại còn có mối dây xâu chuỗi khi có tính kế thừa của các nhiệm kỳ trước, hoặc vấn đề “tích tụ” từ trước mà không dễ giải quyết được ngay. Nhà sử học đặt ngược vấn đề về “sự thử thách” khi cuộc lấy phiếu lần này, theo ông, còn là thử thách đối với ngay các vị ĐBQH, những người cầm lá phiếu tín nhiệm, trước cử tri mà mình đại diện, trước nhân dân cả nước.
Còn ĐBQH Ngô Văn Minh thì băn khoăn trước hai khuynh hướng hoặc “Cá nhân tranh thủ phiếu cho mình”, hoặc “đi vận động phiếu cho nhau”. Theo ông, cả hai điều này đều không nên và “hễ là một người tử tế thì không bao giờ bị chi phối bởi những chuyện này”. Không còn nghi ngờ gì nữa, bản thân mỗi ĐBQH phải tự chịu trách nhiệm trước quyết định, trước lá phiếu của mình.
ĐBQH nào cũng nói trùng một ý “nhìn vào việc họ làm” là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá. ĐBQH Thạch Dư nói: “Nếu tôi nằm trong trường hợp không được tín nhiệm cao thì sẽ phải xem xét lại bản thân. Chắc chắn mình cũng có những hạn chế mặt nào đó”, còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng thì nhấn mạnh “kết quả thảo luận (của các vị ĐBQH đối với từng chức danh) cũng là một kênh rất quan trọng”. Theo ông, “Những đồng chí thuộc diện lấy phiếu lần này, tôi nghĩ cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các ĐBQH, của cử tri để có bổ sung, điều chỉnh để thực hiện trách nhiệm của mình tốt hơn”.
Cả Nghị quyết T.Ư 4 và Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đều đã xác định rất rõ căn cứ vào kết quả lấy phiếu “những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi”. |
(Theo LĐO)
Các tin khác
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ V, ngày 7, 8/6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012/ Ngày 7/6, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp đại diện Công ty TNHH Daeseung (Hàn Quốc) để trao đổi những thông tin cần thiết chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy may xuất khẩu tại Yên Bái.
YBĐT - Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống cho rằng cần khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, dẫn đến không tạo được động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua.
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, ngày 7-6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
YBĐT - Ngày 7/6, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp đại diện Công ty TNHH Daeseung (Hàn Quốc) để trao đổi những thông tin cần thiết chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy may xuất khẩu tại Yên Bái.