Rạng rỡ sắc cam

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2013 | 9:20:03 AM

YBĐT - Giá trị cao của cam, quýt ở vùng ngoài huyện Văn Chấn (Yên Bái) cùng sự năng động, sáng tạo của những người dân nơi đây đã làm thay đổi đời sống, diện mạo vùng cây ăn quả có múi vốn được biết đến như vùng chuyên canh cam, quýt ngon bậc nhất ở Văn Chấn.

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ hai, phải sang) và các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm vườn cam của gia đình chị Vũ Thị Lợi - thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ hai, phải sang) và các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm vườn cam của gia đình chị Vũ Thị Lợi - thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La.

Tháng 10, khi hầu hết các loại cây ăn quả chủ yếu ở Văn Chấn đã hết vụ thu hoạch thì những vườn cam cũng bước vào độ chín. Người ta thường nói, cam là cây khó tính bởi không phải ở đâu cũng có thể trồng. Văn Chấn được trời phú cho vùng đất đỏ bazan trên nền đá xít cùng tiểu vùng khí hậu có độ ẩm cao thích hợp với loài cây đặc sản này. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, người ta đã biết đến Nghĩa Tâm là thủ phủ của cam Văn Chấn với các loại cam chanh, cam sành, quýt sen, quýt lửa thơm, ngon và ngọt đậm.

Cùng với thời gian, những địa danh, những loài cam, quýt có thể thay đổi nhưng những vùng chuyên canh cam, quýt vẫn ngày càng mở rộng với những loại quả chất lượng, cho giá trị ngày càng cao.

Trở lại vùng cam Văn Chấn đúng vào những ngày thu hoạch chính vụ. Sương mù bảng lảng bay trên những vườn cam lúc lỉu vàng mọng càng làm toát lên vẻ tráng lệ của những ngôi biệt thự bên những vườn cam bát ngát. Trong thoảng hương cam có mùi hăng hắc của sương muối, mùi hăng hăng, cay cay của phân trâu, bò, phân gà, phân chim cút của những chủ vườn đã chuẩn bị sẵn sàng chăm cho vụ tới.

Con đường bê tông mới đổ từ tổ 8, thị trấn Nông trường (TTNT) Trần Phú dẫn sang thôn An Thái, Khe Phưa, xã Minh An, những xe tải lớn, nhỏ của tư thương đã nằm sẵn chờ “ăn hàng”. Câu chuyện chờ sương tan, bên những vườn cam đương thu hoạch dở không chỉ có giá cả thị trường, sản lượng mà còn là việc chăm sóc, thu hoạch chuẩn bị cho vụ tới.

Cụ Nguyễn Văn Lộc ở tổ dân phố 8, TTNT Trần Phú, một người lính Cụ Hồ đã ngoài tuổi 80 vẫn nhớ như in những bước thăng trầm của loài cây vốn được mệnh danh là khó tính. Cụ kể: “Những người lính xuất ngũ như tôi khi đến nơi đây xây dựng nông trường mỗi người đều mang theo những loài cây đặc sản của quê mình về trồng. Những năm 70 của thế kỷ trước, những cây cam Bố Hạ, cam Xã Đoài, rồi cam Hà Giang đã bám rễ nơi đây trở thành cây ăn quả của nhiều gia đình. Những cây cam chỉ trở thành hàng hóa  từ những năm 90 trở lại đây. Tuy nhiên, để có được những vườn cam  như hôm nay những người dân ở Trần Phú đã phải nhiều phen “đổ mồ hôi sôi nước mắt”.

Điều mà cụ Lộc tâm đắc nhất là việc trồng cam đã giúp nhiều gia đình khá giả, bản thân cụ có 5 người con trai đều đã trở thành những “đại gia”  cam ở Trần Phú với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. 

Dẫn chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ lên đỉnh đồi cam, anh Nguyễn Văn Thống, con trai cả của cụ Lộc phấn khởi cho biết: “Trước đây đồi này chỉ là lau sậy, gia đình phải mất mấy tháng trời để phát cỏ, đào hố mới có vườn cam hôm nay. Trồng cam phải đầu tư lớn từ lúc trồng đến chăm sóc, thu hoạch, nhưng bù lại giá trị cũng cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác. Với  trên 200 gốc cam, mỗi năm gia đình cũng thu 100 – 150 triệu đồng. Hôm nay gia đình nhờ 3 người hái cam Đường Canh bán với giá 22.000 đồng/kg, tuy rẻ hơn năm ngoái nhưng được mùa cũng kéo lại”.

Trưa, nắng vàng rót mật. Những hàng cam uốn lượn theo đường đồng mức ôm ấp những quả đồi, vàng ối những chùm quả đu đưa theo gió. Độ này các diện tích cam Đường Canh, cam sen đã bước vào độ chín rộ, những vườn cam sành tuy mới hanh vàng nhưng vị đã dần ngọt đậm.

Mải miết ngắm những đồi cam đỏ ối ở tổ 8 TTNT Trần Phú, chúng tôi lạc sang thôn An Thái, xã Minh An lúc nào không hay. Ở đây, những vườn cam dường như không ở trên các quả đồi mà men theo những khe suối nhỏ. Trên khu vườn khá bằng phẳng rộng chừng 1.200m2, gia đình anh Nguyễn Văn Tưởng đang hối hả thu hoạch nốt diện tích cam sen.

Gạt mồ hôi trên trán, anh Tưởng phân trần: “ Làm” cam vất vả thế đấy, chú ạ! Hết lo bệnh gân xanh, lá vàng, lại lo làm sao đậu quả, rồi lo nấm mốc sương, nấm mắt cua…. Phấn khởi nhất là lúc được mùa được giá, thu hoạch có mệt một chút cũng thấy bõ công. Với gia đình tuy cây cam chưa mang lại đời sống khá giả, nhưng vườn cam đã giúp 2 con của anh chị học hành thành đạt”.

 

Quýt thôn An Thái, xã Minh An chuẩn bị giao cho thương lái.

Giá trị thu hoạch cả tỷ đồng một ha nên diện tích cam ở Văn Chấn ngày càng được mở rộng. Hiện toàn huyện có trên 650 ha cam, quýt  các loại. Sản lượng mỗi năm đạt  gần 6.000 tấn, chiếm gần ½ sản lượng quả tươi của toàn huyện.  Tuy nhiên, việc đầu tư, trồng mới và chăm sóc các diện tích cam đòi hỏi nguồn đầu tư khá lớn. Trung bình để trồng mới mỗi ha cam cũng cần cả tỷ đồng, đấy là chưa kể chi phí chăm sóc hàng năm cũng chiếm phân nửa giá trị thu hoạch. Vả lại, cam, quýt không phải vùng nào cũng trồng được.

Trước quá trình thoái hóa, sâu bệnh hoành hành, chính quyền các cấp và người dân đã quy hoạch những vườn cam rải rác tập trung lại một số khu vực như thôn Thiên Tuế, 26/3 - xã Thượng Bằng La, thôn An Thái, Khe Phưa - xã Minh An, thôn 4 - xã Nghĩa Tâm và Tổ 8, 19/5 - TTNT Trần Phú.  Cơ cấu giống cam truyền thống cũng dần được thay thế. Giống cam chanh khi xưa đã  được thay thế bằng các giống cam Đường  Canh, cam V2, cam Valenxia có chất lượng, năng suất và giá trị thường gấp đôi các loại cam địa phương.

Mỗi gỗc cam Đường Canh sau 3 - 5 năm trồng, chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 20 – 40 kg quả, giá trị thu nhập cả triệu đồng. Tuy nhiên, loại cam này đòi hỏi điều kiện chăm sóc khá cao, thời gian thu hoạch thường chỉ kéo dài 2 tháng. Quá thời gian thu hoạch, chất lượng cam sẽ sụt giảm đáng kể. Chính điều này khiến các vùng chuyên canh cam ở Văn Chấn vẫn đa dạng các loại cam.

Theo ông Đỗ Anh Thiện -Chủ tịch UBND TTNT Trần Phú cho biết “Thị trấn đã quy hoạch vùng cam tập trung trên 200 ha. Tuy nhiên, những vùng chuyên canh cam không chỉ sản xuất một loại giống mà người dân vẫn lựa chọn một số loại có chất lượng tốt, cơ cấu thời vụ phù hợp để thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, thu hoạch và bảo quản”.

Trải qua quá trình phát triển với những tác động của thời tiết, khí hậu sâu bệnh, những người trồng cam Văn Chấn đã dần tích lũy được kinh nghiệm để có được những vụ mùa bội thu. Việc trồng cam giờ đây không chỉ là trồng, chăm sóc đơn thuần mà người trồng cam đã chủ động từ việc khoanh cành, chặt rễ kích thích ra hoa, đậu quả đến việc phòng trừ các loại nấm bệnh thường gặp. Những vườn cam, quýt giờ không chỉ mang lại thu nhập, đời sống ổn định cho người trồng cam mà còn tạo nên những làng  quê trù phú. Mỗi mùa cam về, vùng  cam ở Văn Chấn thêm một lần nhộn nhịp, tấp nập với nụ cười rạng rỡ sắc cam.

Trần Van

Các tin khác
Nông dân huyện Văn Yên làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân.

YBĐT - Một trong những giải pháp nhằm tránh nguy cơ gặp rét khi lúa bước vào giai đoạn trỗ, ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa trà xuân sớm, tập trung gieo cấy trà xuân chính vụ và trà xuân muộn bằng những giống ngắn ngày.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định số 205/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Tập đoàn này có số vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2012 là 143.404 tỷ đồng. Nhà nước là chủ sở hữu của Tập đoàn.

Đàn lợn nuôi trên đệm lót sinh thái tại gia đình anh Ngô Đức Phong thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng phát triển tốt.

YBĐT - Đề tài khoa học “ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” bước đầu cho thấy những lợi ích đáng mừng. Đây sẽ là tiền đề để người chăn nuôi ứng dụng rộng rãi và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công An kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đổi tiền mới (đặc biệt là tiền lẻ) để thu chênh lệch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục