Sáng đẹp tình yêu với đại ngàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2014 | 9:04:30 AM

YBĐT - Mù Cang Chải - vùng đất được mệnh danh là xứ sở của cây pơ mu. Những ngôi nhà được làm bằng gỗ pơ mu quen thuộc trong không gian đại ngàn. Có ngôi nhà mới dựng xong còn thơm mùi gỗ. Lại có những ngôi nhà gỗ lâu năm, nhuốm màu thời gian, đôi chỗ rêu phong phủ tràn...

Ông Lù Khua Sử (trái) luôn mong giữ được cây pơ mu sống mãi với núi rừng quê hương.
Ông Lù Khua Sử (trái) luôn mong giữ được cây pơ mu sống mãi với núi rừng quê hương.

Với người Mông Mù Cang Chải, cây pơ mu là một người bạn. Họ được sinh ra trên những chiếc giường gỗ pơ mu. Họ lớn lên và được che chở trong những nếp nhà pơ mu. Tiếc thay, loài cây này đang dần biến mất trên những cánh rừng đại ngàn.

 Giữ cho cây pơ mu sống mãi cùng núi rừng, ông Lù Khua Sử ở bản Nả Háng B, xã Púng Luông vẫn miệt mài ngày tháng trồng và chăm sóc loài cây quý này. Hơn một tiếng đồng hồ theo chân người đàn ông vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh thoăn thoắt đi sâu vào cánh rừng pơ mu ông trồng, qua câu chuyện kể về quá trình đi tìm cây giống, chúng tôi thật sự cảm phục ý chí của con người này. Ông bảo, ông quyết phải giữ cây pơ mu cho đại ngàn này như giữ gìn và bảo tồn một nét văn hóa vì pơ mu quý lắm, pơ mu đã gắn bó với đồng bào Mông nơi đây bao đời nay.

Pơ mu - một loại cây gỗ quý, họ nhà thông, thân thẳng, tán hình tháp, chiều cao 25 - 30m, đường kính 1 - 2m. Cây có vòng đời kéo dài tới hàng trăm năm. Đây được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như có trọng lượng khác thường, không bị mối mọt phá hoại. Gỗ thường được sử dụng làm các đồ tạo tác mỹ thuật, đồ gia dụng. Pơ mu là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách Đỏ năm 1996.
Ông Sử năm nay tròn 67 tuổi. Sau những tháng năm tham gia quân ngũ, năm 1970, ông trở về địa phương với gia đình. Lúc bấy giờ, trên đất Mù Cang Chải, đi đến đâu cũng gặp những cây pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có cây cả chục người ôm không xuể. Bắt đầu thời kỳ mở cửa, nhu cầu đồ gỗ pơ mu ngày càng nhiều và ngày càng trở nên đắt giá. Chỉ sau một thời gian, loại cây quý hiếm này đã bị chặt phá rất nhiều mà cuộc sống của người dân địa phương nghèo vẫn hoàn nghèo. Tận mắt chứng kiến cảnh chặt phá loài cây quý cùng với sự biến đổi của khí hậu khiến pơ mu dần dần biến mất, ông Sử cứ đau đáu...

Nhớ lại chuyện này, gương mặt ông như tối lại. Hình ảnh những rừng pơ mu sừng sững nơi đại ngàn ngày nào đã không còn mà thế hệ con cháu giờ chỉ được biết tới qua những câu chuyện kể của người già, gần gũi nhất là những nếp nhà làm bằng gỗ pơ mu...

Bên bếp lửa, trong căn nhà gỗ pơ mu tuổi đã mấy chục năm, nhấp ngụm nước chè, ông Sử dốc lòng: “Trước kia, tôi đã từng vào rừng chặt loài gỗ quý đấy chứ... Một số đồ dùng trong nhà này cũng chính tôi và người thân đi lấy pơ mu về làm. Bây giờ, cây không còn nhiều. Tôi thấy mình có tội với rừng, với đồng bào mình quá! Tôi quyết tâm trồng pơ mu để cho các thế hệ con cháu sau này biết loài gỗ quý đã gắn bó với dân tộc mình như thế nào...”.

Năm 1995, ông Sử quyết định đi tìm lại giống cây pơ mu về trồng. Nhiều ngày, ông tìm kiếm trên khắp các cánh rừng gần nhà nhưng chỉ còn rất ít cây con. Ông lại tiếp tục khăn gói, đi bộ hàng ngày đường lên khu rừng xã Chế Tạo tìm cây giống. Sau khi có hơn 3.000 cây giống, ông lại đến hỏi cán bộ lâm trường về cách đào hố, cách trồng, cách chăm sóc sao cho cây sống được nhiều nhất...

Gần nửa tháng, ông cùng người nhà đi bộ, mang cây giống về trồng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm nên cây sống rất nhiều. Pơ mu không dễ trồng, phải tùy loại đất thích hợp mới sống được nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc. Ngày ngày, ông chăm sóc cho từng cây pơ mu với mong ước giữ loài cây quý hiếm này cho các thế hệ mai sau. Gần hai mươi năm đã qua kể từ ngày lặn lội đi tìm cây giống và cũng phải vài chục năm nữa mới được khai thác nhưng trong lòng ông rất vui khi thấy pơ mu lớn dần từng ngày. Rừng cây luôn được rất đông đồng bào trong xã, trong huyện và cán bộ ở tỉnh lên thăm quan.

Chia tay ông Lù Khua Sử cũng là lúc trời đã về chiều. Hình ảnh những cây pơ mu ngày thêm xanh tươi giữa đất trời càng khiến chúng tôi trân trọng một tấm lòng nơi đại ngàn. Dáng pơ mu kiêu hãnh. Hương pơ mu tỏa xa. Hương sâu đậm, khó phai bởi tình yêu sáng đẹp và chân chất của một người Mông dành trọn cho thế hệ trẻ, cho núi rừng, cho quê hương ngàn đời thương mến...

Hồng Duyên

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Giá vàng SJC giữ mức 90,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 87,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới giữ nguyên mức 2.414,4 USD/oz. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn 16,37 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục