Xanh lúa, xanh màu dưới “cốt”
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2014 | 9:06:10 AM
YBĐT - Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) trồng cây màu dưới cốt 58 hồ Thác Bà từ hơn 10 năm nay. Tuy diện tích trồng màu hàng năm của gia đình phải phụ thuộc vào mực nước hồ rút nhanh hay chậm nhưng vụ nào ít thì cũng trồng được 7 sào ngô, vụ nhiều là hơn 1ha.
Nông dân Mông Sơn chăm sóc lúa dưới cốt 58 hồ Thác Bà.
|
Do được trồng ở diện tích đất màu mỡ dưới cốt nên chị Hoa không phải đầu tư mua phân bón mà ngô vẫn cho năng suất cao. Năm ngoái thu hoạch hơn 3 tấn ngô hạt, năm nay nước hồ rút sớm hơn nên chị Hoa tiếp tục trồng được gần 1,5ha ngô. Hiện tại, ngô phát triển tốt. Chị Hoa chia sẻ: “Ngô trồng được, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi gà thịt. Bình quân mỗi lứa, tôi nuôi khoảng 100 con gà, một năm xuất chuồng 2 đến 3 tấn gà thịt nên cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn”.
Liền kề với ruộng ngô của chị Hoa là gần 1ha ngô của anh Nguyễn Văn Tài. Vì nhà ở ven hồ, không có ruộng để cấy lúa, trồng màu nên hàng năm, tận dụng diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà, anh Tài đã đưa cây ngô, cây lạc vào trồng để tăng thêm thu nhập và đầu tư chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Phong trào cấy lúa, trồng màu trên diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà của nông dân Yên Bình đã phát huy hiệu quả từ nhiều năm nay. Bởi toàn huyện có 26 xã, thị trấn thì tới 20 xã có diện tích mặt nước hồ, trong đó khoảng 15% dân số thiếu đất sản xuất. Khi mùa nước hồ rút, bà con lại tận dụng diện tích đất dưới cốt để cấy lúa và trồng các loại cây màu với hàng trăm héc-ta mỗi năm, chủ yếu là ngô và lạc. Chỉ riêng vụ xuân năm 2014 này, Yên Bình đã cấy được 211ha lúa và hơn 500ha cây màu dưới cốt (cao nhất từ trước tới nay). Các xã trồng nhiều là Mông Sơn, Phúc An, Yên Thành, Mỹ Gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Đông - Phó chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho biết: “Toàn xã Mông Sơn hiện có hơn 4.000 nhân khẩu nhưng chỉ có chưa đầy 60ha ruộng 2 vụ, bình quân mỗi khẩu chỉ có 50m2 ruộng cấy lúa. Song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà để cấy lúa, trồng màu nên vấn đề an ninh lương thực hàng năm của xã vẫn luôn được đảm bảo, dư thừa bà con đầu tư vào chăn nuôi. Mông Sơn luôn là địa phương làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo của huyện”.
Theo kinh nghiệm của người dân, khi mùa nước hồ rút mạnh cũng là thời điểm cơ bản hoàn thành việc gieo cấy trà chính vụ nên nước rút đến đâu, nông dân cấy lúa, trồng màu tới đó. Mùa vụ gieo trồng trên đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà có thể kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 4 hàng năm. Vụ đông xuân năm nay, Mông Sơn đã gieo trồng được hơn 300ha cây lương thực trên đất dưới cốt, trong đó lúa hơn 100ha, còn lại là ngô, đậu đỗ và lạc.
Gia đình chị Phạm Thị Lý ở thôn Giang Sơn có 5 khẩu nhưng chỉ có 7 thước ruộng. Năm nào chị cũng trồng cây màu dưới cốt. Năm nay, nước hồ rút sớm, chị trồng được hơn 1 mẫu ngô. Chị Lý chia sẻ: “Ngô trồng dưới cốt tốt lắm vì khi mùa nước hồ rút đã để lại một lượng đất mùn màu mỡ. Nhờ diện tích đất này đã góp phần giúp nông dân xóa được đói, giảm được nghèo”.
So sánh về mức đầu tư phân bón cũng như năng suất, sản lượng lúa và cây màu trồng ở đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà với đất 2 vụ thì cây trồng ở diện tích đất dưới cốt bao giờ mức đầu tư phân bón cũng thấp hơn nhưng năng suất và sản lượng đều bằng, thậm chí còn cao hơn so với trồng trên đất 2 vụ. Đặc biệt, đối với diện tích lúa cấy dưới cốt, người dân có thể thu hoạch 2 lần trong cùng 1 vụ: khi gặt xong lần 1, nếu nước hồ chưa ngập thì lúa lại phát triển và tiếp tục trổ bông.
Tuy năng suất lúa thu hoạch lần sau chỉ bằng 1/3 năng suất lúa thu hoạch lần đầu nhưng cũng góp phần đáng kể tăng thu nhập cho người dân. Gia đình chị Nguyễn Thị Liễu ở thôn Đồng Tanh, xã Phúc An từ Nam Định chuyển lên định cư. Nhà có 5 khẩu nhưng gia đình cũng không có ruộng để cấy lúa. Mỗi năm, tận dụng diện tích đất dưới cốt, chị Liễu đã trồng được từ 5 đến 6 sào lạc. Bình quân 1kg củ lạc tươi bán tại vườn có giá dao động từ 3. 500 - 4.000 đồng/kg cũng đem về cho gia đình hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Chị Liễu bảo: “Nhờ cây màu dưới cốt mà cuộc sống gia đình tôi đã ngày càng ổn định hơn, có đồng ra đồng vào để trang trải sinh hoạt và nuôi con cái học hành”.
Giảm bớt khó khăn cho nông dân đồng thời khuyến khích bà con tận dụng tối đa diện tích đất đai để phát triển sản xuất, đi đôi với việc chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hàng năm, huyện Yên Bình còn triển khai thực hiện nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh cũng như của huyện tới nông dân một cách nhanh chóng, kịp thời.
Với sự cần cù, năng động trong lao động, sản xuất của người dân cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, trong vòng 5 tháng nước hồ rút, nông dân Yên Bình đã biến những diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà trở thành những thửa ruộng màu mỡ để sản xuất lương thực, góp phần đắc lực xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kiều Mười
Các tin khác
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận trọn 4 bộ giải thưởng từ Global Banking & Finance Review - một tạp chí hàng đầu thế giới về tài chính ngân hàng của Anh.
YBĐT - Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, trong 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tổ chức trên 60 buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới trên 7.000 lượt hội viên.
Ngày 7/5, tại Hà Nội, gần 100 đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo các Phòng Thương mại nước ngoài và các công ty đa quốc gia đã gặp gỡ để giới thiệu về Liên minh Liêm chính Việt Nam.