Cây chè trên đất Việt Cường

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2014 | 1:31:36 PM

YBĐT - Cùng với Bảo Hưng, Báo Đáp, Tân Đồng, xã Việt Cường là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của huyện Trấn Yên nhưng cây chè dường như vẫn đang “lép vế” so với một số loại cây trồng khác. Vì vậy, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ trong giải quyết bài toán cho cây chè mà người giải chính là người trồng chè.

Nông dân xã Việt Cường thu hái chè.
Nông dân xã Việt Cường thu hái chè.

Không biết cây chè xuất hiện trên đất Việt Cường từ bao giờ nhưng ít nhất cũng đã vài chục năm có lẻ. Đã qua mấy thế hệ người dân nơi đây lam lũ cùng chè. Và đến giờ, chè đã và vẫn là nguồn sống của nhiều gia đình. Đồi chè Bát Tiên nhà ông Nguyễn Đức Nguyên ở thôn 2 sau mấy đợt mưa đã cho búp xanh tốt. Gần 1ha chè giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động và đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Ông Nguyên cho biết: “Cách đây gần chục năm về trước, khi nhà tôi bắt đầu trồng chè Bát Tiên, nhiều người không tin lắm về hiệu quả vì khi đó giá chè rất rẻ. Nhiều người đã bỏ cây chè chuyển sang loại cây trồng khác. Nhưng đến nay thì hiệu quả của cây chè đã rõ rồi”. Đúng như lời ông Nguyên nói, chè Bát Tiên hiện có giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi, cao gấp 3 lần so với giá chè thông thường.

Đến nay, xã Việt Cường duy trì ổn định 200ha chè kinh doanh, sản lượng hàng năm đạt 1.500 tấn. Nguồn nguyên liệu đó được cung cấp chủ yếu cho Nhà máy Chè Việt Cường. Cây chè ở đây đang là kế sinh nhai của 600 hộ dân nhưng trong số đó chỉ có khoảng 100 hộ sống được với cây chè. Phần lớn diện tích chè của xã vẫn là chè trung du già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Mỗi năm, địa phương chỉ trồng mới và thay thế được 10ha chè bằng các giống mới như: Bát Tiên, LDP1, LDP2... Đến nay, toàn xã mới trồng 42ha chè cải tạo, chiếm 20% tổng số diện tích.

Ông Đỗ Kim Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Việt Cường cho biết: “Các giống chè mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng để thu được lợi nhuận cần đầu tư vào cây chè nhiều công chăm sóc và phân bón. Ngoài ra, giống chè mới này chỉ phù hợp với những khu vực có độ dốc thấp, do đó không dễ cho việc quy hoạch trồng cải tạo thành vùng tập trung”.

Bên cạnh đó, người trồng chè vẫn chạy theo số lượng, chưa chú trọng nhiều đến việc sản xuất chè đặc sản và ứng dụng kỹ thuật chế biến khoa học. Theo tính toán của những người trồng chè, giá chè búp tươi năm nào cũng chỉ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, trong khi giá phân bón, các loại vật tư nông nghiệp đã tăng theo từng năm. Vì vậy, những người trồng chè ở Việt Cường cũng như ở các địa phương khác bây giờ không chỉ là thu hái chè một tôm hai lá mà sử dụng công nghệ thu hoạch bằng máy hái chè, một tôm kèm theo đến bảy, tám lá cả non lẫn già. Thu hái kiểu tận thu như thế nên mỗi tháng chỉ thu được một lứa chè. Vì vậy, tuy có diện tích chè lớn nhưng ở Việt Cường, trồng rừng kinh tế và thâm canh lúa vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

Ngoài ra lại thêm yếu tố gần tỉnh, xa huyện, chỉ cách thành phố Yên Bái hơn chục cây số nên thay vì đầu tư chăm sóc cho những đồi chè, nhiều người dân ở đây dễ dàng ra thành phố kiếm việc lao động phổ thông với giá hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Điều đó giải thích cho việc dễ dàng thấy ở Việt Cường, trên nhiều nương chè, cỏ đã mọc cao hơn chè hay cằn cỗi, xác xơ nép dưới tán những đồi cây lâm nghiệp.

Mới đây, những người dân trong xã đã được tập huấn trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè. Hy vọng đây sẽ là hướng phát triển bền vững cho cây chè Việt Cường, nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, xã cần đẩy mạnh việc trồng mới và thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống chè cho năng suất và giá trị cao như: LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... Đồng thời là thay đổi nhận thức của người dân trong trồng và chế biến chè, nâng cao giá trị, phẩm cấp chè để chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ trở thành cây làm giàu cho người nông dân nơi này.

Hồng Khanh

Các tin khác
Người dân xã Phúc Sơn (Văn Chấn) vận chuyển cao su giống về trồng.

YBĐT - Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và phát huy lợi thế đất đai, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã chấp thuận cho Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư phát triển vùng cây cao su tại huyện Văn Chấn và Văn Yên. Ngay trong niên vụ 2009 - 2010, Công ty Cao su Yên Bái đã trồng được 500ha.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2014-2020 với tổng kinh phí 450 tỷ đồng.

YBĐT - Thời gian gần đây, giá rau xanh trên các chợ địa bàn thành phố Yên Bái bất ngờ tăng mạnh, từ 30 - 50% so với tháng trước. Trong khi nguồn cung từ các vùng rau tại chỗ đã cạn kiệt thì rau dưới xuôi và rau Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành giải quyết bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại vì hành vi biểu tình quá khích của một số người thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục