Quy hoạch bãi chăn thả để hạn chế cháy rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2014 | 2:24:48 PM

YBĐT - Tất cả các bãi chăn thả hiện nay đều không được quy hoạch mà nằm xen kẽ trong các khu rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Trên giấy tờ, những bãi chăn thả này đều nằm trong diện tích đất Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý nhưng người dân đã xâm chiếm làm bãi chăn thả.

Huyện Trạm Tấu cần quy hoạch bãi chăn thả để hạn chế cháy rừng.
Huyện Trạm Tấu cần quy hoạch bãi chăn thả để hạn chế cháy rừng.

Sau một thời gian khá dài không để xảy ra cháy rừng nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng trăm héc-ta rừng. Nguyên nhân chính không phải do thời tiết mà do bà con đốt bãi chăn thả, gây cháy lan vào rừng.

Tình trạng cháy rừng do đồng bào đốt nương làm rẫy khá phổ biến ở vùng cao nói chung và huyện Trạm Tấu nói riêng những năm vừa qua. Xác định rõ nguyên nhân, lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật đốt nương như: đốt từ trên xuống dưới, đốt ngược với chiều gió và làm đường băng cản lửa. Bên cạnh đó, Trạm Tấu làm khá tốt công tác quy hoạch nương rẫy, nhờ vậy số vụ cháy rừng đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng cháy rừng và nguy cơ cháy rừng ở huyện vùng cao này ngày một tăng.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu - người đã gắn bó với huyện vùng cao này hơn 10 năm cho biết: "Khí hậu vùng cao rất khắc nghiệt, gió Lào thổi mạnh từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Không chỉ vậy, Trạm Tấu còn có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, trình độ dân trí còn hạn chế nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, cứ vào mùa phát nương làm rẫy là lực lượng kiểm lâm phải căng mình, lo lắng và tung hết lực lượng về cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật đốt nương cho bà con, thậm chí còn cùng bà con trực tiếp làm mới hạn chế được cháy rừng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nguyên nhân cháy rừng lại do bà con đốt bãi chăn thả gây cháy lan. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm ra biện pháp để hạn chế tình trạng này".

Hiện trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 41 bãi chăn thả tự nhiên ở hầu hết các xã có rừng cũng như xen kẽ trong các khu rừng trồng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Tập trung nhiều nhất là Xà Hồ, Túc Đán, Bản Công, Bản Mù, Pá Lau, mỗi xã có 4 - 5 bãi chăn thả rộng vài héc-ta. Vừa qua, đồng bào đốt bãi chăn thả tại xã Túc Đán đã làm cháy lan vào rừng, gây thiệt hại trên 570ha rừng trồng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý.

Theo tập quán của người dân nơi đây, để có cỏ cho trâu, bò, dê, ngựa ăn thì cứ vài ba tháng lại tổ chức đốt một lần để thúc cỏ mọc. Tuy nhiên, tất cả các bãi chăn thả hiện nay đều không được quy hoạch mà nằm xen kẽ trong các khu rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Trên giấy tờ, những bãi chăn thả này đều nằm trong diện tích đất Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý nhưng người dân đã xâm chiếm làm bãi chăn thả.

Ông Định Thanh Ba - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cũng thẳng thắn thừa nhận: "Trong tổng số diện tích đất, rừng được giao quản lý, bảo vệ là gần 50.000ha thì có tới gần 30% diện tích đã bị người dân bao chiếm sản xuất nương rẫy và làm bãi chăn thả. Nếu nhìn trên bản đồ thì Trạm Tấu còn nhiều đất trống để trồng rừng nhưng không thể triển khai vì người dân đã bao chiếm".

Qua xác định, 3 vụ cháy rừng những tháng đầu năm nay gây thiệt hại gần nghìn héc-ta rừng thì 2 vụ chưa tìm ra thủ phạm, 1 vụ tại xã Túc Đán đã tìm ra thủ phạm và các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Chỉ trong tháng tới, vụ án cháy rừng ở Túc Đán sẽ được đưa ra xét xử và sẽ có một bản án nghiêm khắc cho người phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là huyện Trạm Tấu phải quy hoạch được các bãi chăn thả, không nên để phát triển tự do, tràn lan như hiện nay. Vẫn biết bãi chăn thả là không thể thiếu đối với bà con dân tộc vùng cao bởi tập quán chăn thả tự nhiên nhưng không vì thế mà để phát triển tràn lan.

Chăn nuôi theo hướng tự nhiên cũng không phải là giải pháp tốt thúc đẩy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, huyện nhất thiết phải xây dựng quy hoạch, mỗi xã chỉ nên để 1 hoặc 2 bãi chăn thả với diện tích vừa đủ. Diện tích còn lại sẽ trồng rừng, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao một cách bền vững, lâu dài.

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của rừng đối với cuộc sống của con người đồng thời với việc quy hoạch và quản lý các bãi chăn thả tốt chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng cháy rừng. 

Ngọc Trúc

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục