Yêu cầu ngừng trồng mới cao su
- Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 8:07:38 AM
Bộ trưởng Cao Đức Phát chính thức yêu cầu không tiếp tục mở rộng diện tích cao su trồng mới, có chế độ cạo mủ thích hợp, giảm chi phí nhân công.
Ảnh minh họa
|
Diện tích tăng, giá giảm mạnh
Tại Hội nghị sản xuất cao su 2014 tổ chức sáng 11.7 ở TP.HCM, Cục Trồng trọt cho biết, 6 tháng đầu năm nay, giá cao su đã xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Giá xuất khẩu cao su vẫn đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh.
Cụ thể, giá cao su xuất khẩu giao dịch cuối tháng 5.2014 đạt khoảng 36-41 triệu đồng/tấn mủ sơ chế tùy loại. Đối với mủ cao su tươi, nông dân bán với giá 7.500-8.000 đồng/kg. Đến tháng 6/2014, giá bán cao su sơ chế chỉ đạt 40,5 triệu đồng/tấn, sát với giá thành khoảng 40 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, diện tích cao su cả nước những năm qua tiếp tục tăng mạnh. Tính đến giữa năm 2014, tổng diện tích cao su cả nước đạt 955.600ha, vượt hơn 115.600ha so với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ ký hồi đầu năm 2009. Diện tích cao su vượt quy hoạch chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương…
Lý giải việc diện tích cao su tăng mạnh những năm gần đây, ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho rằng, thời điểm giá cao su ở mức cao, từ 70-90 triệu đồng/tấn, nhiều người đã đổ xô vay tiền ngân hàng trồng mới cao su hoặc mua lại các vườn cây vừa trồng. Giá vườn cao su có thời điểm được rao bán với giá 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi ha.
Đến nay, khi giá rớt xuống mức ngang với giá thành, những hộ trên bắt đầu rơi vào cảnh lỗ lã do lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng. “Còn nếu vườn cây đạt mức năng suất 2 tấn/ha thì với giá như hiện nay, người trồng cao su vẫn có thể lãi từ 6-10 triệu/ha”- ông Thuận nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lại cho biết, năng suất bình quân cao su cả nước hiện chỉ đạt 17,4 tạ/ha. Một số địa phương đạt mức năng suất 2 tấn/ha chỉ có TP.HCM và Tây Ninh. Ngược lại, năng suất các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ chỉ từ 11-12 tạ/ha.
Ngừng trồng mới, hạn chế cạo mủ
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thị trường cao su thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn do cung vượt quá cầu, dự báo thế giới sẽ thừa đến 652.000 tấn cao su trong năm nay và sẽ tiếp tục thừa trong 2 năm tới.
Trung Quốc đang là thị trường nhập cao su lớn nhất của VN nhưng giá cả gần đây biến động, ảnh hưởng lớn đến ngành cao su. Một số giải pháp cấp thiết được đề ra là phải điều chỉnh quy mô diện tích, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su... Cụ thể, VRG sẽ chỉ phát triển 420.000 ha cao su đến năm 2015, giảm 8.000 ha so với kế hoạch trước đó.
Về thị trường tiêu thụ, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho biết sẽ tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thêm các thị trường khác như Mỹ, EU, đặc biệt là Ấn Độ vì đây là thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Trong điều kiện giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất như hiện nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành.
Đặc biệt, không trồng mới cao su tại vùng miền núi phía Bắc, gồm cả vùng đã được quy hoạch, gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Thay vào đó, tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh vườn cây hiện có để tăng năng suất, chất lượng.
Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2, tức 2 ngày cạo mủ 1 lần sang D3, D4, tức cách 3-4 ngày cạo mủ 1 lần, để giảm chi phí nhân công.
Đối với những diện tích cao su đã đến giai đoạn khai thác, Cục Trồng trọt khuyến cáo chưa tiến hành mở miệng cạo. Còn những vườn cao su lớn tuổi, có thể thanh lý, bán lấy gỗ để chuẩn bị cho trồng tái canh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngành nông nghiệp sẽ kiên trì mục tiêu phát triển ngành cao su trên cơ sở tái cơ cấu, gia tăng giá trị, không chạy theo diện tích, tập trung vào nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ xem xét có gói tín dụng ưu tiên cho cao su tiểu điền, đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp trên cây cao su…
Ngoài ra, trong năm nay, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch phát triển cao su, đánh giá cụ thể tình hình phát triển của loại cây trồng này để có hướng phát triển phù hợp.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Vào mùa mưa lũ, thời tiết có những thay đổi phức tạp, diễn biến khó lường, thường có bão lốc, lũ lụt lớn xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm cho dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng.
YBĐT - Vụ đông xuân do bất lợi về thời tiết nên đã làm chậm thời vụ từ 7 - 10 ngày. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, ngành nông nghiệp cũng như nông dân phải tích cực đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, triển khai làm cây vụ đông. Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang chạy đua với thời gian để khẩn trương làm đất, gieo cấy lúa mùa sớm, đảm bảo thời vụ cho sản xuất vụ đông.
YBĐT - Với các giải pháp triển khai đồng bộ trong công tác thu ngân sách, 6 tháng đầu năm 2014, huyện Văn Chấn đã thu ngân sách đạt trên 42 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch và tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Ngày 10/7, cây cầu mới bằng thép đã được động thổ xây dựng tại Bản Côm, xã Tú lệ, huyện Văn Chấn giúp cho người dân vùng sâu vùng xa đi lại được an toàn, thuận lợi ngay cả trong mùa mưa lũ.