Tích cực đầu tư chăm sóc chè
- Cập nhật: Thứ tư, 27/8/2014 | 9:17:07 AM
YBĐT - Bước vào niên vụ sản xuất, kinh doanh chè năm 2014, người làm chè Yên Bái gặp nhiều bất lợi: đầu năm rét đậm, rét hại, sau đó thời tiết mưa ẩm kéo dài làm cây chè sinh trưởng và phát triển kém. Khi vào chính vụ chè, khô hạn kéo dài cùng với đó giá vật tư phân bón tăng cao, thị trường bất ổn, giá thu mua nguyên liệu thấp, người làm chè thiếu quan tâm đầu tư dẫn tới năng suất, sản lượng chè đạt thấp.
Tích cực đầu tư, chăm sóc để tăng năng suất, sản lượng chè.
|
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, đến trung tuần tháng 8, sản lượng chè búp tươi thu hái đạt trên 50.000 tấn, giảm hơn 5.000 tấn so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng giảm tập trung ở các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn; chỉ có vùng chè Nghĩa Lộ, Liên Sơn là năng suất, sản lượng búp cơ bản bảo đảm. Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về vùng chè Văn Chấn - vùng chè lớn nhất tỉnh cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến.
Chị Hoàng Thị Hoàn ở thị trấn Nông trường Trần Phú đang cùng mấy người con thu hái chè dừng tay nói: “Vẫn biết sản xuất nông nghiệp luôn phải chịu nhiều biến động nhất, năm được mùa, năm mất mùa, thị trường không ổn định, giá lúc cao, lúc thấp nhưng người làm chè chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ, gắn bó với chè. Nhưng quả thật, sản xuất chè năm nay gặp quá nhiều khó khăn, đầu năm thì rét đậm, khi vừa vào vụ thì mưa thối đất, trời âm u, chính vụ thì hạn hán đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây chè. Cùng với giá vật tư phân bón tăng cao, giá nhân công cũng tăng đáng kể, trong khi giá chè không những không tăng mà còn thấp hơn so với cùng kỳ nên cuộc sống người làm chè khó khăn”.
Tính đến hết tháng 7, toàn huyện mới thu hái được trên 20.000 tấn búp tươi, giảm trên 1.000 tấn so cùng kỳ. Sản lượng chè của Văn Chấn năm nay giảm hơn so cùng kỳ có nhiều nguyên nhân. Đầu vụ, cây chè bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nhưng nguyên nhân chính là do giá chè búp ngày một xuống thấp, trên dưới 3.000 đồng/kg trong khi giá phân bón tăng 10% -15% nên người dân không quan tâm đầu tư chăm sóc. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp chế biến chè khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, đã có những nhà máy phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Thực tế, có những đồi chè, người dân vẫn thu hái nhưng chè cằn cỗi và để cỏ mọc tùm lum. Có nhiều diện tích chè cỏ mọc cao, dày hơn cả chè, người dân phải rẽ từng ngọn cỏ để thu hái chè. Đặc biệt, khu vực thị trấn Nông trường Trần Phú, một số địa phương ở thành phố Yên Bái và dọc các xã nằm trên tuyến quốc lộ 70, huyện Yên Bình, đã có không ít hộ phá bỏ chè để trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Rời vùng nguyên liệu, chúng tôi đến các doanh nghiệp sản xuất chè và đến đâu cũng thấy chung tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Rõ ràng, việc sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cơ chế, chiến lược và thị trường, doanh nghiệp yếu về tiềm lực tài chính, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân làm chè dẫu có tâm huyết nhưng “cái khó bó cái khôn”, muốn đầu tư thâm canh tăng năng suất, giá trị, sản lượng chè nhưng cũng không có vốn vì giá vật tư cao, giá bán nguyên liệu thấp, thu không đủ chi.
Việc làm cấp thiết hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp, các cấp, các ngành, nông dân thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái. Người làm chè không vì điều kiện khó khăn trước mắt, giá vật tư phân bón tăng cao mà không đầu tư thâm canh tốt. Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp tích cực kiềm chế lạm phát, kinh tế thế giới sẽ dần hồi phục… thì chắc chắn thị trường chè sẽ đi vào ổn định, giá sẽ tăng lên. Thị trường tiêu thụ chè tốt, doanh nghiệp có vốn sẽ mua nguyên liệu với giá cao hơn để người trồng chè sống được bằng chè. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn nên cùng chia sẻ với người làm chè. Quan trọng là nông dân vùng chè cũng nên tích cực đầu tư chăm sóc chè và từng bước khắc phục khó khăn.
Thanh Phúc
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.
YBĐT - Từ đầu năm tới nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn. Nhờ đó, trên địa bàn không còn điểm nóng về khai thác, chặt phá rừng; số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm đáng kể.
YBĐT - Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã thuận lợi nhiều so với trước kia do hệ thống kênh mương nội đồng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đó là đòn bẩy cho nông nghiệp sản xuất bền vững.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép lớn nhất thế giới là Nga, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.