Vượt khó giành thắng lợi
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 1:13:54 PM
YBĐT - Năm 2014, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến huyện, sự cố gắng vượt bậc của nhà nông, ngành nông nghiệp vẫn về đích với những con số ấn tượng. Trong bức tranh nông nghiệp, nổi bật là hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Mường Lò là một trong những vùng sản xuất lúa tập trung của tỉnh.
Ảnh: Nông dân Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) thu hoạch lúa.
(Ảnh: Đặng Phương Lan)
|
Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Năm 2014, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đầu năm liên tục xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, trời âm u, ít nắng đã ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển cây trồng. Mặt khác, giá cả vật tư tiếp tục leo thang. Lường trước được những khó khăn đó, công tác chỉ đạo sản xuất đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khung thời vụ, sử dụng các giống và các biện pháp thâm canh phù hợp với diễn biến của thời tiết từng vùng; tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, năm 2014, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh đạt 40.920ha, tăng 411ha so với năm 2013, năng suất đạt 49,4 tạ/ha, sản lượng đạt 202.299 tấn, tăng 3.788 tấn so với năm 2013; cộng với sản lượng ngô toàn tỉnh ước đạt 83.620 tấn, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 285.919 tấn, tăng 2.947 tấn so với năm 2013. Các loại cây trồng khác cũng đều tăng cả về diện tích, sản lượng”.
Thời điểm đầu năm 2014, người chăn nuôi cũng đối mặt với nhiều khó khăn: giá thức ăn, vật tư tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá lợn giảm thấp kéo dài, gây thiệt hại cho chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Nhờ những giải pháp đó, những tháng cuối năm, chăn nuôi đã khôi phục đà tăng trưởng. Tổng đàn gia súc chính đạt ước đạt 622.013 con, tăng 5,6% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 28.000 tấn.
Nổi bật trong bức tranh sản xuất nông nghiệp là ngành nông nghiệp đã phối hợp với các huyện, thị chỉ đạo bà con nông dân tập trung sản xuất hàng hóa và đến nay đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản tập trung với quy mô lớn như: các vùng sản xuất lúa hàng ngàn héc-ta ở cánh đồng Đại- Phú- An (Văn Yên), cánh đồng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Mường Lai (Lục Yên); vùng sản xuất ngô khoảng 15.000ha ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên; vùng sắn công nghiệp 8.000ha ở huyện Văn Yên, Yên Bình; vùng thâm canh chè khoảng 9.000ha; vùng cây ăn quả; vùng cây nguyên liệu giấy, vùng quế, vùng tre măng Bát độ.
Trong đó, cây chè trở thành cây mũi nhọn với trên 10 nghìn héc-ta kinh doanh, tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 85.000 tấn, bảo đảm cuộc sống cho hơn 20 vạn dân sống bằng nghề chè. Kinh tế lâm nghiệp đã có những bước bứt phá ngoạn mục, trở thành mũi nhọn. Toàn tỉnh trồng mới trên 15.506ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 61,2%, khai thác và tiêu thụ được trên 280.000m3 gỗ rừng trồng các loại và hơn 99.485 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng đã tạo đột phá lớn. Hàng trăm mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao được triển khai rộng khắp như mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa; mô hình cánh đồng mẫu lớn hàng trăm héc-ta sản xuất một giống lúa ở Lục Yên, Văn Chấn không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ để tăng thu nhập mà còn từng bước hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng cao, hình thành mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa gạo. Mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI được triển khai rộng khắp giúp nhà nông giảm chi phí, tăng năng suất.
Bà Lê Thị Tuyết ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) cho biết: “Từ khi thực hiện cấy theo phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI, công sức, chi phí và thời gian từ lúc cấy đến lúc chăm sóc và thu hoạch đều tiết kiệm hơn. Năng suất lúa cao hơn, trung bình khoảng 68,8 tạ/ha, sâu bệnh cũng giảm nhiều”.
Năm 2015, sản xuất nông nghiệp dự báo còn gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù dự báo khó khăn còn nhiều nhưng ngành nông nghiệp vẫn xác định mục tiêu năm 2015 là: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 277.000 tấn (sản lượng thóc 197.000 tấn, sản lượng ngô 80.000 tấn); tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thu hái chè búp tươi nhằm đạt sản lượng chè búp tươi 85.000 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 640.600 con, tăng 3% so với năm 2014, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt trên 31.200 tấn; trồng mới 15.000ha rừng (trồng rừng phòng hộ 1.100ha; trồng rừng sản xuất 13.900ha); tiếp tục thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trong đó tiếp tục đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh như: lúa cao sản, chè sắn, nguyên liệu giấy, gỗ rừng trồng, chè, quế, măng tre, cây ăn quả có quy mô lớn về diện tích và sản lượng; tiếp tục xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp, trọng tâm là mô hình cánh đồng mẫu lớn; xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm sản gắn với các vùng sản xuất chuyên canh; đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tiếp tục đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nâng cao giá trị nông, lâm sản; chú trọng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình công nghệ, biện pháp canh tác vào đồng ruộng; đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực như: gạo, quế Văn Yên, chè.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 huyện đã đề ra 29 chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua 4 năm thực hiện, đến nay, Đảng bộ huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10 chỉ tiêu và đang quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong năm 2015.
Ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương.
Hợp đồng vay đóng tàu dịch vụ hậu cần của Công ty Thủy sản Lý Sơn (Quảng Ngãi) là 1 trong 2 hợp đồng đầu tiên được ký trên cả nước.
YBĐT - Ngày 25/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước.