Bảo vệ tốt Khu bảo tồn loài và sinh cảnh
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 8:16:50 AM
YBĐT - Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất ở vùng Tây Bắc. Thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ và giữ gìn “kho báu” đa dạng sinh học này.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải được thành lập theo Quyết định số 513/QĐ-UB ngày 09/10/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái với diện tích 20.108,2ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 15.128ha, diện tích phân khu phục hồi tái sinh thái là 4.979ha. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn của 5 xã, trong đó có xã Chế Tạo nằm trong vùng lõi, vùng đệm trải rộng trên các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Su Phình. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có tính đa dạng và đặc hữu cao về thực vật. Qua kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) bước đầu đã thống kê được ở đây có 788 loài thực vật bậc cao, trong đó có 33 loài thuộc diện quí hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới; động vật có 241 loài, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể, đáng chú ý có 42 loài quí hiếm cho Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu, đặc biệt là 4 loài: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen, voọc xám.
Những năm trước, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải bị xâm hại nặng nề, nhiều loài sinh vật cảnh và thảm thực vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Lâm tặc, người dân địa phương thường xuyên vào rừng khai thác các loại gỗ qúy hiếm, săn bắn động vật hoang dã, kể cả các động vật nằm trong sách Đỏ. Do áp lực về lương thực, nhiều hộ dân sinh sống trong vùng Khu bảo tồn chặt phá, phát nương làm rẫy, trồng lúa nương, trồng thảo quả. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã có nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ tốt.
Cụ thể, Ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đã tiến hành ký hợp đồng với các nhóm hộ, hộ nhận khoán bảo vệ rừng; phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền các văn bản có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học… với nhiều hình thức khác nhau đến các thôn, bản và người dân sống trong khu bảo tồn. Các tổ tuần tra thường xuyên canh gác bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Các xã trong Khu bảo tồn đều đã thành lập nhóm bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm kí cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với từng hộ gia đình. Đặc biệt, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, từ đó giảm áp lực vào Khu bảo tồn săn bắn, làm nương rẫy.
Ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: “Ban sinh cảnh loài Mù Cang Chải quản lý 20.108ha rừng đặc dụng, tính riêng năm 2013, được nhận trên 9,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cải thiện một phần đời sống của người dân. Nó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị to lớn của rừng, khuyến khích người dân phát triển nghề rừng, nhờ đó việc tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trên địa bàn sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Bà con có thêm thu nhập từ rừng nên chắc chắn sẽ giữ rừng tốt hơn”.
Nhờ những giải pháp cụ thể đã giúp cho Khu bảo tồn ngày một phong phú, rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Không chỉ có vậy mà đời sống người dân trong Khu bảo tồn cũng được nâng lên thông qua các dự án, tiền khoán bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải vẫn còn những khó khăn nhất định. Đó là đời sống của người dân còn nghèo, chủ yếu sống dựa vào rừng, do đó, tình trạng khai thác gỗ nhỏ lẻ trong Khu bảo tồn vẫn còn xảy ra. Lực lượng kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ trong Khu bảo tồn còn mỏng, địa bàn hoạt động rộng, trang thiết bị phương tiện còn thiếu.
Việc đầu tư cho Khu bảo tồn còn nhiều hạn chế, thiếu các dự án phát triển vùng đệm. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học không có nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rừng bền vững. Để quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn ngày một tốt hơn, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Để thu hút, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ rừng cần thực hiện tốt chính sách chi trả môi trường rừng cho người dân sinh sống trong và xung quanh Khu bảo tồn. Về lâu dài, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tạo công ăn việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân đang sinh sống trong và xung quanh Khu bảo tồn.
Thông Nguyễn
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng dương trong hai tháng đầu năm 2015, các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất cho vay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa quyết định công nhận đặc cách đối với 3 giống ngô biến đổi gen (BĐG) đầu tiên được phép chính thức đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam.
Ngày 18-3, tại tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự lễ động thổ xây dựng Nhà máy sữa NutiFood Việt Nam do Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư.
YBĐT - Trước thực trạng giá sắn lên xuống thất thường, rất cần các cấp, các ngành sớm tìm ra giải pháp để liên kết chặt chẽ người nông dân trồng sắn và nhà máy cũng như nhà quản lý với nhau để tạo hướng đi ổn định cho cây sắn, tiếp sức cho hàng vạn người nông dân không ngành nghề yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.