Thận trọng trong phát triển chuối mô!

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 1:29:51 PM

YBĐT - Cây chuối tiêu không còn xa lạ với bất cứ người dân Yên Bái nào, tuy nhiên, bao đời nay, việc trồng và phát triển rất manh mún, thiếu đầu tư, chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở Tổng công ty Hòa Bình Minh.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở Tổng công ty Hòa Bình Minh.

Nhằm từng bước đưa cây chuối sang sản xuất xuất tập trung, mang tính hàng hóa, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tháng 4/2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Yên Bái đã tiến hành đưa cây chuối tiêu hồng vào trồng thử nghiệm với diện tích 0,6ha và nay đã phát triển trên 8ha tại huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái bước đầu cho kết quả khả quan.

Sau mô hình trồng thử nghiệm ban đầu, năm 2013, Tổng công ty Hòa Bình Minh đã đưa vào trồng 5ha. Chị Vũ Thị Giang - cán bộ phụ trách sản xuất cho biết: "Lần đầu tiên Tổng công ty trồng chuối tiêu hồng bằng giống cây mô. Trong quá trình triển khai, Tổng công ty đã áp dụng những kỹ thuật cơ bản và đúng quy trình sản xuất, toàn bộ diện tích sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ cây ra buồng rất cao và đồng đều, đến nay, đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả rất khả quan".

Cũng như Tổng công ty Hòa Bình Minh, gia đình ông Lò Văn Số ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) đã đưa vào trồng thử nghiệm 1.300 cây chuối tiêu hồng giống mô. Do là mô hình thử nghiệm nên khi triển khai gia đình ông được hỗ trợ toàn bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, đến nay, trên 400 cây đã cho thu hoạch. Tính theo giá thị trường hiện nay cũng thu khoảng 60 triệu đồng. Ông Số bộc bạch: "Chuối tiêu hồng có nhiều ưu điểm, quả to, cuống dai, chín vàng tươi. Đặc biệt, giống này rất dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, thích nghi với điều kiện bất thuận của thời tiết. Chỉ cần một số kỹ thuật cơ bản, đủ nước và chăm bón dinh dưỡng đầy đủ là cây khoẻ mạnh và phát triển nhanh".

Chuối tiêu hồng giống mô không trồng theo lối truyền thống mà phải thường xuyên giữ độ ẩm, tạo nguồn nước cho chuối, phun thuốc chống sương, dưỡng lá, chuối mới ra buồng đều, quả đẹp và ngọt. Sau khi thu hoạch, cần xử lý chế phẩm phụ của cây và lá, vứt xuống giữa rãnh luống để tạo độ ẩm, tránh cỏ mọc và tăng thêm chất hữu cơ cho vụ sau. Để đạt hiệu quả cao, mỗi năm chỉ để 1 cây mẹ và từ 2 - 3 cây con mập xung quanh, sau khi thu hoạch xong, chặt cây mẹ đi và rắc vôi bột vào gốc sẽ hạn chế mầm bệnh mà không cần cuốc gốc lên.

Ngoài ra, mỗi gốc chỉ để 1 cây, các buồng chuối phải lồng túi nilon để chống sự xâm hại của sâu bệnh và côn trùng, giữ cho quả có màu sắc đẹp. Rõ ràng, chuối tiêu hồng có chất lượng và năng suất cao, đem lại lợi nhuận cho người dân địa phương. Chuối trồng sau từ 12 - 13 tháng sẽ cho thu hoạch, ngắn hơn từ 2 - 3 tháng so với trồng chuối theo phương pháp truyền thống. Trung bình mỗi buồng đạt từ 20 - 25kg, 1ha có thể thu hoạch trên 40 tấn quả/năm, giá chuối quả tươi trung bình từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nếu đúng vào dịp tết Âm lịch thì giá có thể đạt 5.000 đồng/kg.

Như vậy, nếu trồng 1ha chuối trong thời gian từ 12 - 14 tháng thì lãi thuần sẽ đạt khoảng từ 70 - 120 triệu đồng. Trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô có hệ số nhân cao gấp nhiều lần so với phương pháp tách chiết giống từ cây mẹ. Thông thường bên ngoài, từ 1 cây mẹ có thể cho tối đa từ 2 - 3 cây con/năm, trong khi đó, từ một cây nuôi cấy mô có thể cho hàng ngàn cây giống. Việc trồng thành công giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô tế bào, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiệu quả của việc trồng chuối tiêu hồng đã rõ và Yên Bái cũng chủ động được nguồn giống. Thế nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm đang được người nông dân quan tâm. Hiện, sản phẩm chuối phần lớn bán nội tiêu và làm thực phẩm hoặc bán chín là chính. Duy nhất mới chỉ có Tổng công ty Hòa Bình Minh bán với số lượng lớn cho các đối tác ngoài tỉnh. Trong khi đó, chuối tiêu hồng giống mô phát triển rất đồng đều, khi cây ra buồng và thu hoạch cũng đồng loạt nhưng chúng ta chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, bà con hãy thận trọng! Chỉ khi nào có thị trường, nhà máy chế biến công nghiệp ký kết hợp đồng mới phát triển quy mô lớn, tránh tình trạng được mùa, mất giá.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Vào mùa khô, nhiều diện tích rừng ở Mù Cang Chải có nguy cơ cháy rừng cao.

YBĐT - Với trên 70 nghìn héc-ta rừng, địa hình phức tạp, người dân sống chủ yếu dựa vào rừng và sản xuất lương thực theo tập quán đốt nương làm rẫy nên vào mùa khô hanh, Mù Cang Chải luôn phải đối mặt với nguy cơ cao cháy rừng. Bước vào mùa khô 2014 – 2105, huyện tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại…

YBĐT - Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất ở vùng Tây Bắc. Thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ và giữ gìn “kho báu” đa dạng sinh học này.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng dương trong hai tháng đầu năm 2015, các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất cho vay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa quyết định công nhận đặc cách đối với 3 giống ngô biến đổi gen (BĐG) đầu tiên được phép chính thức đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục