Nối những bờ vui
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2016 | 8:13:55 PM
YBĐT - Với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, xét về mặt giá trị không phải quá lớn, có khi chỉ bằng một mố cầu bắc qua sông nhưng niềm vui và ý nghĩa lại thật lớn lao!
Các đại biểu gắn biển tên cầu Khe Chè xã Y Can, huyện Trấn Yên.
(Ảnh: Thu Trang)
|
10 cây cầu treo đầu tư xây dựng mới năm 2014 - 2015 gồm: Bản Côm, Khe Chè, Đồng Bưởi, Xà Rèn, Háng Giống, Giàng Cài, Mý Háng Tâu, Mý Háng Tủa Chử, Khe Cam, Khe Củm đi Khe Gai là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Yên Bái thời gian qua.
An Lương là xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn chỉ hơn ba chục ki-lô-mét nhưng việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Mùa mưa lũ nơi đây gần như là ốc đảo, đường lầy lội, cách trở bởi các con suối. Để đi lại hàng ngày, người dân phải làm những chiếc cầu phao, cầu tạm bằng tre nứa.
Khát khao từ bao đời của trên 750 hộ dân nơi đây có một cây cầu để đi lại thuận tiện, an toàn nhưng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Người dân vùng cao vốn đã khó khăn trăm bề, đường sá chủ yếu là đường đất ven theo các triền núi, đã vậy lại không có cầu đi lại vô cùng khó khăn.
Sản phẩm hàng hoá nông sản làm ra không tiêu thụ nổi bởi công vận chuyển cao ngang giá thành nên cái đói, cái nghèo cứ bám lấy người dân vùng cao như định mệnh. Vì vậy, khi Dự án cầu treo Khe Cam khởi công với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, người dân An Lương đã vô cùng phấn khởi.
Ngay sau lễ khởi công, người dân trong xã cũng như chính quyền địa phương dốc tâm, dốc sức, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đơn vị thi công. Chỉ sau hơn 6 tháng, cây cầu đã đưa vào sử dụng với sự vui mừng khôn tả của người dân trong xã. Chiều dài chỉ 120m nhưng đây là cây cầu “huyết mạch” giao thông của xã An Lương, nối vào thôn Mảm 1, Suối Dầm, Khe Cạnh, Khe Quéo, Khe Cam và Đá Đen, nơi sinh sống của 2/3 số dân trong xã.
Trong lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND xã An Lương Hoàng Văn Cội phấn khởi, tự tin nói: “Cây cầu đưa vào sử dụng là cơ hội để xã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hàng trăm héc-ta quế, rồi gỗ rừng trồng, ngô, đậu tương và các hàng hoá nông sản bà con làm ra vận chuyển tiêu thụ thuận lợi hơn, giá cả ổn định hơn và chắc chắn là không bị tư thương ép giá. Vui hơn nữa, con em An Lương đi học thuận lợi, cha mẹ và các cấp chính quyền không còn lo mỗi mùa nước lũ”.
Chị Sa Thị Hương Thư - kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông đã có hơn 5 năm “cắm bản” ở An Lương vừa dẫn chúng tôi đi xem những đồi quế bạt ngàn vừa nói: “Đất đai, khí hậu ở đây rất phù hợp với kinh tế lâm nghiệp, nhất là cây quế, bình quân mỗi năm người dân nơi đây trồng trên 200 ha. Các anh thấy đấy, toàn xã đến giờ có không dưới trên 1 ngàn héc-ta quế, mỗi năm khai thác trên 100 ha. Do đường đi lại khó khăn nên giá quế rất rẻ. Từ khi cây cầu treo đưa vào sử dụng, giá quế cao hơn. Tư thương, doanh nghiệp vào tận đồi thu mua. Ngay trong vụ quế vừa qua, gia đình ông Giàng A Sử ở thôn Sài Lương 1 khai thác 1 ha quế bán, thu 1,5 tỷ đồng. Cứ đà này, chỉ một vài năm nữa, ở đây sẽ xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú chẳng kém vùng cam thị trấn Nông trường Trần Phú hay Nghĩa Tâm, Minh An đâu”.
Cũng như bao người dân An Lương, hai năm qua, người dân thôn Làng Cài, xã Nậm Lành (Văn Chấn), người dân huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đến người dân huyện Văn Yên hay như thôn Khe Chè, xã Y Can (Trấn Yên) vui mừng phấn khởi bởi những cây cầu mới.
Đi và chứng kiến những thôn, bản, những xã vùng cao, vùng sâu chỉ vì thiếu một cây cầu hoặc những cây cầu treo dân sinh đã xuống cấp mới thấy hết nỗi vất vả của người dân. Chả vậy mà khi chúng tôi đến thôn Khe Chè (xã Y Can) khi cây cầu treo Khe Chè đã đưa vào khai thác nhưng niềm vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân.
Ông Nguyễn Văn Quyền - một người dân trong xã cho biết: “Lưu thông trên chiếc cầu mới, tiết kiệm thời gian và công sức nên bà con ai cũng phấn khởi, nhất là những gia đình có con em đang đi học không phải lo nơm nớp mỗi khi các cháu tan học về nhà”.
Cùng chung niềm vui ấy, bà Hoàng Thị Lê - một người dân sinh sống lâu năm tại xã chia sẻ: “Có cầu mới vững chắc người dân chúng tôi không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại mà còn góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển sản xuất của người dân hai bên ngòi”.
Ông Trần Quốc Tiên - Chủ tịch UBND xã Y Can cũng không giấu nổi niềm vui cho biết: “Cầu Khe Chè mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đã biến ước mơ có một cây cầu chắc chắn, bảo đảm an toàn của người dân địa phương bấy lâu nay trở thành hiện thực; giúp người dân bảo vệ tính mạng, tài sản khi tham gia giao thông, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng cuộc sống mới no ấm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng và gìn giữ để cây cầu phát huy hiệu quả lâu dài”.
Cầu Bản Côm, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Anh Dũng)
Trong hai năm 2014 - 2015, Yên Bái đã nỗ lực xây dựng và đưa vào sử dụng 10 cây cầu treo; sửa chữa, nâng cấp 22 chiếc. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 130 cầu treo phần lớn đã xây dựng và khai thác từ 30 - 40 năm, xuống cấp trầm trọng.Trong đó, có 92 cầu cần sửa chữa mới có thể tạm thời khai thác, 27 cầu phải sửa chữa lớn, 11 cầu phải làm mới.
“Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2016 - 2017, Yên Bái sẽ tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các nhà hảo tâm xây dựng khoảng 50 cầu treo, cầu dân sinh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, khai thác phát triển kinh tế” - ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Tuy nhiên, Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, nhiều sông, suối, đồi núi cao; nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Vị trí xây dựng công trình cầu dân sinh, nhất là các cây cầu treo thường ở các khu vực địa hình khó khăn, điều kiện vận chuyển vật liệu xây dựng không thuận lợi do không có đường ô tô, chủ yếu là đường dân sinh.
Mặt khác, ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do trung ương cấp nên việc đầu tư của tỉnh cho các công trình cầu dân sinh chưa cao. Vì vậy, tỉnh rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện đầu tư hệ thống cầu dân sinh cho tỉnh nhà, phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các địa phương nơi có công trình đầu tư cam kết hiến đất, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện để quá trình xây dựng thuận lợi.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước tác động đến nền kinh tế của tỉnh; hạ tầng cơ sở, trình độ lao động thấp dẫn đến sức hút các nhà đầu tư từ bên ngoài hạn chế... nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong 3 năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 giảm mạnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2015, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao PCI.
YBĐT - Năm 2015 khép lại, vượt lên những khó khăn chung của nền kinh tế, tỉnh Yên Bái vẫn hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, đây là năm đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng.
YBĐT - Năm 2015, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lương thực tiếp tục có thêm một năm được mùa với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 300.611 tấn.
Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2015 - ngày 31/12, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị báo công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2015 với số thu 1.735 tỷ đồng, vượt cao so với chỉ tiêu kế hoạch giao.