Dự báo năm 2016 Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% - 6,8%
- Cập nhật: Chủ nhật, 3/1/2016 | 9:26:50 AM
Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2016 vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo năm 2016 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện, đạt khoảng 6,7% - 6,8%.
Dự báo năm 2016 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện.
|
Về thuận lợi, mặc dù đầu tư từ ngân sách dự báo giảm từ 11,5% GDP năm 2015 xuống 10,5% GDP năm 2016 nhưng do khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân cao hơn nên tỷ lệ đầu tư toàn xã hội 31% GDP vẫn có thể đạt được. Trong khi đó, biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính lành mạnh hơn, nâng cao khả năng cung tín dụng cho khu vực tư nhân. Xuất khẩu năm 2016 cũng sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn.
Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các luật mới liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giúp cải thiện năng suất tổng hợp của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý, yếu tố bất trắc của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng nhất định đến công tác dự báo, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế trong năm 2016. Đầu tư tư nhân và tiêu dùng tư nhân mặc dù tiếp tục cải thiện nhưng mức cải thiện sẽ không cao như trong năm 2015 do lãi suất chịu sức ép và lạm phát tăng (làm hạn chế sức mua của dân chúng). Nhập siêu năm 2016 cũng được dự báo tăng (xuất khẩu ròng giảm) so với năm 2015, trong khi tình hình doanh nghiệp mặc dù cải thiện nhưng chưa hết khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp trong nước.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản không cao hơn nhiều so với năm 2015, ở vào khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2% - 3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Đối với tỷ giá, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính 1% tăng lên của tỷ giá làm tăng lạm phát thêm 0,06-0,1 điểm %; mức tác động này thấp hơn ở thời kỳ lạm phát cao khi tâm lý lạm phát của dân chúng thiếu ổn định.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Trần Đình Thiên: “Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến”
YBĐT - Năm 2015 khép lại, ghi dấu sự nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức để trụ vững và phát triển. Mỗi câu chuyện vượt khó của từng doanh nghiệp đều có những dấu ấn riêng và mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.
YBĐT - Với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, xét về mặt giá trị không phải quá lớn, có khi chỉ bằng một mố cầu bắc qua sông nhưng niềm vui và ý nghĩa lại thật lớn lao!
YBĐT - Mặc dù môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước tác động đến nền kinh tế của tỉnh; hạ tầng cơ sở, trình độ lao động thấp dẫn đến sức hút các nhà đầu tư từ bên ngoài hạn chế... nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong 3 năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 giảm mạnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, năm 2015, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao PCI.