Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất lùi thời hạn thu phí các trạm BOT
- Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2016 | 8:12:54 AM
Đề xuất lùi thời hạn thu phí đường bộ với một số trạm BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), theo đánh giá của Bộ Tài chính, chưa đề cập tới những trạm đưa vào sử dụng năm 2016 và không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa.
|
Tại công văn trả lời đề xuất Bộ Giao thông Vận tải mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, trong số 23 trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016 thì 10 trạm có mức thu tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe (xe nhóm 1), 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt/xe, 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe.
Ngoài ra, một số trạm khác theo kế hoạch trước đó sẽ có mức tăng khoảng 2.000-20.000 đồng/lượt/xe.
Tuy nhiên, theo tính toán của ngành tài chính, Bộ Giao thông Vận tải không đề cập tới 10 trạm thu phí hoàn vốn các dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Các dự án này đã được ban hành thông tư hướng dẫn với mức thu phí là 35.000 đồng/lượt/xe và có hiệu lực ngày từ 1/1/2016.
"Như vậy, không đả bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT," đánh giá của Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo đại diện ngành tài chính, phí sử dụng đường bộ có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm của người dân và dự luận. Bởi vậy, để đảm bảo chính sách đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và đồng thuận của người dân, lãnh đạo ngành Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp với chính sách, tránh việc chưa thực hiện đã đề xuất lùi thời hạn thực hiện.
Ngoài ra, việc đề xuất thời điểm áp dụng theo Bộ Tài chính cần tính đến thời gian cho việc thực hiện điều chỉnh văn bản, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như thời gian để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục công khai mức thu phí, thời gian áp dụng, in, phát hành thu phí,...
Trước đó, trong công văn gửi Bộ Tài chính và các nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị các doanh nghiệp dự án BOT đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016 tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016.
Theo quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số CPI hiện thấp hơn nhiều so với mức dự kiến.
Do vậy, đề nghị điều chỉnh trên theo lãnh đạo ngành giao thông nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Chiều 4-1, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin chi tiết hơn về cơ chế điều hành tỉ giá mới.
Mỗi lít xăng RON 92 được bán tối đa với giá 16.032 đồng một lít từ 15h ngày 4/1, giảm khoảng 400 đồng so với trước.
YBĐT - Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện công tác đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành giao thông vận tải.
YBĐT - Yên Bái cần chú trọng phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng thông tin để thu hút các nhà đầu tư; phát triển du lịch đẳng cấp gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp tư nhân, thu hút các tập đoàn tư nhân hùng mạnh…