Cây xóa nghèo ở vùng cao
- Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2016 | 2:56:32 PM
YBĐT - Hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã hình thành vùng trồng sơn tra tương đối tập trung với diện tích trên 3.000 ha.
Sơn tra ngâm rượu - một đặc sản của Yên Bái.
|
Cây sơn tra hay còn gọi là cây “táo Mèo” vốn là một loài cây mọc tự nhiên trên các sườn núi cao của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Theo các nhà khoa học, quả sơn tra có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn, tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol, giúp hạ mỡ máu, rối loạn lipid máu, bảo vệ gan, chống ung thư...
Ngoài ra, quả sơn tra còn được nhiều người dùng để giải khát làm si rô, mứt, ô mai. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận quả sơn tra thuộc “Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam”. Nhờ vậy, quả sơn tra đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở vùng cao.
Những năm trước, cây sơn tra mọc tự nhiên trên các triền núi cao nhưng những năm gần đây, nhận rõ được tác dụng của quả sơn tra cho sức khỏe con người và có giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp, các huyện, thị khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trồng mới, trồng tập trung cây sơn tra với diện tích lớn tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Nhờ vậy, đến nay đã hình thành vùng trồng sơn tra tương đối tập trung với diện tích trên 3.000 ha.
Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch quả gần 1.000 ha, sản lượng bình quân đạt 2.500 tấn quả/năm, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Thực tế cho thấy, nhờ cây sơn tra, hàng ngàn hộ gia đình thuộc xã Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, Cao Phạ... (Mù Cang Chải); Bản Công, Bản Mù, Phình Hồ, Tà Xi Láng... (Trạm Tấu) đã trở nên khá giả.
Để cây sơn tra phát triển mạnh hơn nữa, ngành nông nghiệp đang xây dựng Đề án phát triển cây sơn tra bằng cách trồng hỗn giao với các loài cây trồng rừng phòng hộ trên đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích phòng hộ, trồng rừng sản xuất, trồng bổ sung cây sơn tra trên đất rừng phòng hộ nghèo kiệt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích rừng, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Trước mắt nâng cao giá trị 1.500 ha rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt đang thực hiện giao khoán bảo vệ ổn định cho các hộ gia đình bằng việc trồng bổ sung cây sơn tra.
Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 7.000 ha: trồng mới (hỗn giao sơn tra - thông) 1.200 ha, trồng bổ sung 800 ha, để đến năm 2020 diện tích sơn tra đạt 3.300 ha tại Mù Cang Chải; trồng mới (hỗn giao sơn tra - thông) 1.300 ha, trồng bổ sung 700 ha, để đến năm 2020 diện tích sơn tra đạt 3.700 ha tại Trạm Tấu.
Phấn đấu sản lượng sơn tra toàn tỉnh từ 2.500 tấn/năm vào năm 2015 lên 5.000 tấn/năm vào năm 2020. Hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia Đề án được nhận hỗ trợ về cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung bằng cây sơn tra và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây sơn tra cho quả; được hưởng tiền công bảo vệ rừng theo quy định; được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng...
Đồng thời, các hộ dân, chủ rừng phải có đơn xin tham gia đề án; ký kết hợp đồng trồng rừng với chủ rừng (là ban quản lý rừng phòng hộ); chỉ được thực hiện trồng bổ sung cây sơn tra tại các địa điểm đã được thiết kế và cấp có thẩm quyền phê duyệt; có cam kết bảo vệ, chăm sóc rừng trồng theo quy định về làm giàu rừng, không để xảy ra cháy rừng hay có tác động làm suy kiệt tài nguyên rừng.
Không được tự ý chặt phá rừng, dựng lán trại cố định trong rừng hoặc chiếm dụng đất rừng; tự giác trả lại đất rừng khi Nhà nước thu hồi rừng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng; không được chuyển nhượng diện tích cây sơn tra đã nhận trồng bổ sung trong rừng phòng hộ do ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, chấp hành các nghĩa vụ khác theo quy định.
Rõ ràng, đây là một đề án được đánh giá cao, nó không chỉ cung cấp sản phẩm làm dược liệu, chế biến nước giải khát, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mà còn đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; thực hiện dự án trồng cây lâm nghiệp trong rừng phòng hộ bằng cây sơn tra, góp phần làm giàu rừng, tạo thêm việc làm cho người lao động trong vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích bảo vệ rừng ngoài thu nhập từ tiền công bảo vệ rừng còn cho thu nhập từ quả sơn tra, từng bước giúp người dân gắn bó với rừng và thực sự sống được từ rừng.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Sáng 23-5, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Tập đoàn General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết ghi nhớ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
YBĐT - Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) huyện Yên Bình huy động được 72 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Huyện phấn đấu đạt diện tích 1.000 ha tre măng Bát độ vào năm 2020. Tuy nhiên, qua bước đầu triển khai nhân dân tại nhiều xã đang vấp phải không ít khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc tháo gỡ của các cấp, ngành.
YBĐT - Muốn đạt hiệu quả, giá trị kinh tế cao đòi hỏi sản xuất phải đi đôi với chế biến, nhất là trong sản xuất nông - lâm sản. Thực tế đó đã được chứng minh trong sản xuất chè, gỗ rừng trồng và một số mặt hàng nông sản như quế, lúa gạo... không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết khá nhiều việc làm cho lao động nông thôn.