Hát Lừu cần khai thác tiềm năng sản xuất rau màu

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2016 | 12:07:23 PM

YBĐT - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu  Lò Văn Chiến thừa nhận: “Dân mình chưa biết làm rau, phần lớn chỉ đủ rau ăn thôi. Nói đủ ăn cũng có nhiều nghĩa, thực tế là phần lớn người Thái ở Hát Lừu ăn măng, rau rừng và các loại bầu, bí, mướp…".

Các sạp rau ở chợ thị trấn Trạm Tấu chủ yếu nhập rau màu từ thị xã Nghĩa Lộ và địa phương khác.
Các sạp rau ở chợ thị trấn Trạm Tấu chủ yếu nhập rau màu từ thị xã Nghĩa Lộ và địa phương khác.

Lâu rồi tôi mới có dịp lên vùng cao Trạm Tấu, thật bất ngờ khi thấy thị trấn vùng cao phát triển mạnh, nhà cửa mọc lên san sát, nhịp sống thành thị đã hình thành. Nhà mặt phố đã biến thành những cửa hàng, cửa hiệu, bày bán đủ các mặt hàng với giá thành không quá đắt so với thị xã Nghĩa Lộ hay thành phố Yên Bái tỉnh lỵ.

Với bản năng của người thích khám phá, tôi vào chợ thị trấn Trạm Tấu, còn sớm nên chợ vắng người, phần lớn tiểu thương đang bày biện hàng hóa, chỉ có mấy hàng quà sáng như: bún, phở, cháo, bánh cuốn đã tấp nập khách. Tôi dừng lại bên sạp rau xanh để trò chuyện với cô Phượng - một phụ nữ trung tuổi hiền hậu và dễ gần. Hàng rau buổi sớm thường vắng khách, chủ yếu bán rau thơm cho mấy quán ăn. Biết tôi không phải khách mua rau nhưng cô Phượng vẫn niềm nở tiếp chuyện, có lẽ vì chưa bận bán hàng và bản tính vui vẻ, thân tình của cô. Hỏi giá rau xanh, cô Phượng cho biết:

- Rau muống 3.000 đồng một mớ, rau đay, mồng tơi và dền đỏ thì 4.000 đồng, rau ngót từ 4.000 - 5.000 đồng tùy chất lượng.

- Vậy là giá rau ở đây cũng khá đắt đấy cô ạ!

 Nghe tôi nói vậy cô Phượng nói luôn:

- Tận Nghĩa Lộ chuyển lên, phải cộng thêm giá cước vận tải, người đi buôn cũng có thêm tí lãi nữa.

- Toàn rau Nghĩa Lộ hả cô, sao không phải là rau Trạm Tấu nhà mình?

- Thế thì còn nói làm gì, dân mình đâu có biết làm rau, có rau Trạm Tấu chẳng thích quá đi chứ, tươi ngon hơn, không bị nát, giá hợp lý hơn, nhất là khí hậu trong lành, nước tưới sạch sẽ, rau sẽ ngon lành, ai chẳng thích mua.

Chia tay cô Phượng, trong tôi bật lên câu hỏi vì sao người Thái xã Hát Lừu không sản xuất rau sạch? Rồi tôi quyết định đội mưa về Hát Lừu để tìm câu trả lời. Qua các thôn Vũng Tàu, Hát 1, Hát 2, lúa dưới ruộng đang thì đứng cái, làm đòng. Không biết vụ trước thế nào, chứ vụ này lúa ở Hát Lừu không tốt lắm, chăm sóc kém nên màu lá không xanh thẫm, mấy đám chuột bọ phá mạnh đang chuyển màu vàng hoe. Chắc vụ này, năng suất chỉ đạt trên tạ mỗi sào. Thôi cũng tạm, diện tích lúa toàn xã khá lớn nên cũng đủ thóc ăn. Trở lại với câu chuyện rau xanh, phải nói là người Thái ở Hát Lừu cũng trồng rau xanh, bên hiên nhà sàn của các hộ dân luôn có mảnh vườn vài ba chục mét vuông trồng luống rau muống và quãi đôi luống cải củ. Với diện tích này thì ăn còn chưa đủ nói gì đến bán.

Chủ tịch UBND xã Hát Lừu - Lò Văn Chiến tiếp chúng tôi cũng thừa nhận: “Dân mình chưa biết làm rau, phần lớn chỉ đủ rau ăn thôi. Nói đủ ăn cũng có nhiều nghĩa, thực tế là phần lớn người Thái ở Hát Lừu ăn măng, rau rừng và các loại bầu, bí, mướp… Đồng bào vẫn duy trì cách làm trồng hố mướp, dây bí, gốc su su rồi cho leo lên bờ rào hay mái chuồng trâu, chuồng lợn để lấy quả ăn. Tự cấp, tự túc vẫn là chủ yếu, đột xuất có nhà thừa rau muống, rau cải cũng được đem bán nhưng sản lượng quá thấp, không đáng kể”.

Áp sát thị trấn huyện lỵ, nghĩa là có thị trường tiêu thụ, sao bà con mình không làm rau? Câu hỏi được đặt ra với đồng chí Chủ tịch UBND xã Hát Lừu, ông phân trần: “Đã là nông dân thì chỉ thích thóc gạo. Làm rau màu có thể cho thu nhập khá hơn nhưng bà con mình ngại đi vòng. Trồng rau bán rồi lại lấy tiền đi đong gạo!”.

Vậy là quá rõ, dân Hát Lừu, nhất là các thôn Hát 1, Hát 2, Vũng Tàu chưa biết gắn sản xuất với thị trường, vẫn nặng hình thức tự cấp, tự túc, chưa biết đến sản xuất hàng hóa; có một thị trường tuy không quá lớn nhưng cũng dư sức ngốn hết sản lượng rau xanh mà bà con làm ra, đó còn chưa kể đến chuyện vượt qua huyện nhà, vươn ra thị trường bên ngoài nhờ ưu thế rau trồng ở nơi có khí hậu trong lành, tưới bằng nguồn nước Nậm Tía trong mát. Ngó xuống Phù Nham (Văn Chấn) mà thấy, người Thái Noong Ỏ, Bản Chanh thuộc tốp đầu về làm rau ở Yên Bái, ngang ngửa trình độ nông dân Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Đồng đất của họ mùa nào thức nấy, rau thơm, cà rốt, hành hoa, cải bẹ, su hào, cà chua, đậu đỗ… Thu nhập làm rau cao gấp mấy lần làm lúa, họ xây nhà, mua xe ầm ầm. Quay về Hát Lừu nhà mình, cứ độc canh cây lúa mãi, rồi quẩn quanh ở mức đủ ăn; 65% số hộ nghèo, tốc độ giảm nghèo và thu nhập bình quân khó có thể đạt được tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Cùng với ngành nghề chăn nuôi trâu, bò, lợn đang có hướng phát triển, người dân xã Hát Lừu cần nhận thấy lợi thế của mình để phát triển vùng rau xanh, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bắt tay vào sản xuất hàng hóa, chỉ có vậy mới nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tuyên truyền, vận động, chỉ đạo bà con làm ăn; trang bị cho dân kiến thức khoa học kỹ thuật, tổ chức cho bà con đi vùng cánh đồng Mường Lò học tập cách họ làm rau màu… là việc mà chính quyền xã cần phải làm để phát triển vùng rau xanh Hát Lừu.

 Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng chứng thư số chuyên dùng cho dịch vụ nộp thuế điện tử (NTĐT) của các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ nâng cấp các ứng dụng khai và NTĐT của ngành thuế và hệ thống chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ để triển khai dịch vụ khai, NTĐT cho các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

YBĐT - Với việc mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ; chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, thời gian qua tổng đàn gia súc của huyện Văn Chấn đã gia tăng trên 10.000 con so với cùng kỳ. Việc phát triển chăn nuôi gia súc đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nhân dân.

YBĐT - Đến hết tháng 7, tổng thu ngoài quốc doanh của thành phố Yên Bái mới đạt gần 63 tỷ đồng, bằng 47% chỉ tiêu pháp lệnh và bằng 99% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục