Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ đầu tư của thế giới
- Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 2:27:10 PM
Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (6,45 điểm).
Hàng loạt các công trình cao ốc, nhà ở cao tầng hiện đại thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm đổi mới.
|
Vào tháng 7/2016, khi công bố số liệu về xuất-nhập khẩu giảm, cụ thể là nhập khẩu giảm 12,5% và xuất khẩu giảm 4,4%, Trung Quốc đang cho thấy nền kinh tế mất dần ánh hào quang. Trong khi đó, các "rồng nhỏ" Đông Nam Á, nơi có tiềm năng tốt hơn, đang thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư.
Bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển khẳng định các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực “châu Á đang phát triển”. Bằng chứng là, trên tổng số 765 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước “châu Á đang phát triển” là 541 tỷ USD, và tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Những chỉ số mới được công bố khẳng định Việt Nam là mục tiêu được đặc biệt nhắm đến trong thời gian gần đây. Theo thống kê mới nhất của Chính phủ, chỉ riêng quý I năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 11,3 tỷ USD vốn FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết phần lớn các nhà đầu tư hướng vào các dự án cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và bất động sản.
Còn theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (6,45 điểm), tiếp theo là Hungary, với 4,32 điểm và Romania, với 3,48 điểm. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia, với 2,86 điểm và Thái Lan, với 2,43 điểm.
Y tế là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam, kể từ khi chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Theo thẩm định của văn phòng BMI Researche tại London, ngành công nghiệp dược phẩm sẽ còn tăng 75% trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Vẫn theo báo cáo tháng 7/2016 của văn phòng BMI Researche tại London, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh, với rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Công ty bảo hiểm vốn-xuất khẩu Euler Hermes khẳng định, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định trong hai năm tới.
Ông Kevin Martin, Giám đốc Quản lý tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC, phác họa một triển vọng đầy hứa hẹn dựa trên sự giàu lên của 620 triệu người tiêu dùng trong khu vực này. Ông cũng nhấn mạnh là GDP tính trên đầu người tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ vào khoảng 2.300 USD vào năm 2007, nhưng từ đó đã tăng 78% và dự kiến đạt 4.100 USD vào năm 2016.
Công ty tư vấn Accenture cũng tỏ ra rất lạc quan, với nhận định mức tiêu thụ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 2.300 tỷ USD từ nay đến năm 2030.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Sáng 22/8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
YBĐT - Thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2019, ngay từ đầu năm 2016, hai ngành đã phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục hướng dẫn hệ thống MTTQ cấp huyện và cơ sở đẩy mạnh vận động thực hiện chính sách an sinh xã hội.
YBĐT - Đến nay, Trạm Tấu đã chuyển đổi được gần 1.000 ha đất trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt.