Phát triển gắn với chuỗi giá trị trong kinh tế tập thể ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 1:56:06 PM
YBĐT - Thời gian qua, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng. Đó là mong muốn của tỉnh cũng như các chương trình phát triển HTX.
Chế biến tinh dầu quế tại Hợp tác xã 6/12 Đào Thịnh.
|
Nhiều HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng việc thay đổi phương thức hoạt động theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có 318 HTX; trong đó, có 173 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chiếm 54,4% tổng số các HTX. Lâu nay, các HTX nông nghiệp có trách nhiệm là “bà đỡ” của nông dân trong sản xuất nông nghiệp và là cầu nối đại diện cho nông dân thực hiện các hợp đồng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuy nhiên, đa số các HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng...
Các dịch vụ rất quan trọng như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít. Chính vì không lo được đầu ra cho nông sản dẫn đến người nông dân và các thành viên bỏ công sức, bỏ chi phí nhiều nhưng lợi nhuận rất ít. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn nên sản phẩm làm ra thường bán nông sản thô dẫn đến giá trị thấp.
Nhìn nhận rõ thực tế trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các HTX thay đổi phương thức hoạt động theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thành lập từ tổ hợp tác chuyên thu mua nông - lâm sản địa phương.
Với lợi thế nằm trong vùng nguyên liệu chính trong quy hoạch phát triển cây măng tre Bát độ của tỉnh, HTX đã liên kết cùng Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho bà con thành viên.
Không chỉ ứng trước phân bón cho các thành viên, HTX phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng xưởng sơ chế măng tre Bát độ để tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm măng tre của các hộ thành viên và tiến hành sơ chế theo quy trình và tiêu chuẩn đơn đặt hàng của Công ty.
Năm 2015, HTX đã thu mua và chế biến 90% sản lượng măng tre Bát độ của người dân trên địa bàn, doanh thu HTX gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động trực tiếp với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn lao động gián tiếp trên địa bàn xã, nhiều hộ thành viên có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm.
Theo ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành: “Việc HTX tham gia vào chuỗi sản xuất góp phần làm lợi cho bà con thành viên cả về giá trị sản phẩm và sản lượng thu hoạch. Hàng năm, HTX đã giúp tăng thêm thu nhập trên 12 tỷ đồng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Kiên Thành”.
Hay như HTX 6/12 Đào Thịnh (Trấn Yên), được sự tư vấn, hỗ trợ vốn và công nghệ của Liên minh HTX tỉnh, Hội đồng Quản trị HTX đã mạnh dạn đầu tư trên 7 tỷ đồng mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng chế biến tinh dầu quế với công suất 13 tấn nguyên liệu/ngày. Sau khi đầu tư xây dựng nhà máy, HTX đã đi tìm đối tác để liên kết cùng góp vốn và tiêu thụ sản phẩm. HTX đã liên kết với HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm và Công ty An Thịnh Cường Phát (Văn Yên).
Sự liên kết này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX, đồng thời hỗ trợ người dân trên địa bàn tận thu các sản phẩm của cây quế. Năm 2015, HTX đã tổ chức thu mua 3.000 tấn cành, lá quế tận thu cho hàng ngàn hộ trồng quế tại xã Đào Thịnh và các xã lân cận. Doanh thu của HTX đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại nhà máy với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong chuỗi giá trị sản phẩm chè phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn). Khi mới thành lập, HTX này chỉ có 20 thành viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng. Đến nay, thành viên HTX đã tăng lên trên 60 người, vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng.
HTX đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất chè đen Orthodox công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày, 1 dây chuyền chế biến chè xanh công suất 10 tấn/ngày và nhiều trang thiết bị hiện đại sản xuất, chế biến chè xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 100 lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt, HTX đã liên kết với Công ty Unilever Việt Nam hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho HTX.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX cho biết: “HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật, giám sát quy trình kỹ thuật và tổ chức tiêu thụ đầu ra nên bà con thành viên yên tâm canh tác chăm sóc cây chè theo quy trình VietGAP. Sản lượng và chất lượng đều tăng cao. Năm 2015, HTX sản xuất 1.000 tấn chè thành phẩm, doanh thu 21 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng”.
Có thể nói, nhờ liên kết xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, các HTX đã có vai trò tích cực trong việc làm giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ, ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, cải thiện giá cả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và thu nhập của các hộ thành viên; từ đó, gia tăng gắn kết và phát triển cộng đồng, duy trì trật tự an toàn xã hội.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có chất lượng cao. Trước mắt, tỉnh tập trung liên kết chặt chẽ giữa các HTX trong tỉnh với nhau, sau đó sẽ mở rộng trên quy mô vùng, cả nước. Đặc biệt, các HTX phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm”.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Đến 1/4/2016, toàn tỉnh có 103.900 con trâu, trên 22.000 con bò, trên 509.700 con lợn, tổng đàn gia cầm hơn 3,9 triệu con.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế công khai thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu để phối hợp quản lý tránh sử dụng sai mục đích.
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao, địa hình 100% là đồi núi độ dốc lớn, vách đứng xen kẽ các khe suối nhỏ, khi mùa mưa đến tạo thành thác lớn chảy. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu làm nương rẫy, ruộng bậc thang, công trình thủy lợi ở đầu các con suối có độ dốc cao, nhân dân định cư ở sườn núi. Vì vậy, khi có thiên tai xảy ra, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Để có ngày một nhiều sản phẩm nông - lâm, thủy sản an toàn hơn, trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp thực hiện trong sản xuất, giám sát, kiểm tra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.