Lần đầu có danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ
- Cập nhật: Thứ bảy, 27/8/2016 | 8:29:17 AM
Lần đầu tiên, Bộ Công Thương phong tặng 2 danh hiệu cao quý trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ nhằm tôn vinh nghệ nhân có nhiều cống hiến từ 21 tỉnh, thành trên cả nước.
|
Tối 26/8, Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân - Nghệ nhân ưu tú” đã được tổ chức nhằm biểu dương các nghệ nhân, thợ giỏi, những người đã có công bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Đây là lần đầu có danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong chuỗi nghề thủ công mỹ nghệ.
Danh hiệu nghệ nhân nhân dân được phong tặng cho 16 cá nhân với nghề thêu, gốm, thêu phục chế, hoa lụa, đậu bạc, chạm đồng, hoa khô, điêu khắc gỗ, chạm bạc, đồng, đúc đồng, điêu khắc đá.
84 cá nhân được xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú thuộc các nghề mộc mỹ nghệ, gốm, tranh dân gian Đông Hồ, điêu khắc, thêu ren, mây tre đan…
Các “Nghệ nhân nhân dân - Nghệ nhân ưu tú” là người có nhiều công lao trong việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành các sản phẩm mang tầm vóc, thương hiệu Việt Nam đến với các nước trên thế giới
Nhiều nghệ nhân bày tỏ sự xúc động và tự hào khi lần đầu được trao tặng danh hiệu cao quý sau nhiều năm gắn bó với các nghề truyền thống.
Nghệ nhân điêu khắc Hoàng Văn Huyền (Hải Phòng) chia sẻ: "Tôi bắt đầu đến với nghề điêu khắc từ năm 1977, năm đó mới 19 tuổi, đến nay đã 38 năm. Tôi chuyên chuyển thể tượng chân dung ra các thể loại từ chất liệu đồng, gỗ đá và rất vinh hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam từ năm 2009. Hôm nay, tại đây, lần đầu tiên được cùng các nghệ nhân trên mọi miền đất nước nhận giải Nghệ nhân ưu tú, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được đóng góp một chút công sức cho ngành nghề thủ công mỹ nghệ tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung".
Nghệ nhân Hoàng Văn Huyền rất tự hào khi được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Một số tác phẩm điêu khắc độc đáo được trưng bày tại Triển lãm của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Huyền
Bên cạnh Lễ trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ với quy mô 200 gian hàng.
100% sản phẩm trưng bày là hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hóa Việt Nam, không có hàng hóa xuất xứ nước ngoài. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, làm hoàn toàn bằng tay với thiết kế tinh xảo được giới thiệu tại triển lãm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhâm, chủ cơ sở tranh thêu tay truyền thống huyện Nam Trực, Nam Định cho biết: "Nghề thêu tay đã gắn liền với tôi được 40 năm nay và cảm thấy thực sự yêu và tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương. Hàng thủ công chủ yếu được làm do nhu cầu khách đặt chứ không bán tràn lan ra thị trường, vì vậy khách hàng rất yên tâm về chất lượng".
Với mong muốn phục dựng, lưu giữ nghề truyền thống, Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhâm đã đưa tranh thêu tay nổi tiếng Nam Trực đến với mọi miền đất nước và có mặt tại thị trường nước ngoài. Nghệ nhân cũng bày tỏ lo lắng cho tương lai phát triển của làng nghề trước nguy cơ bị mai một: "Những nghệ nhân tay nghề cao thường đã có tuổi, nhưng lớp trẻ của làng lại có rất ít người theo học nghề này. Trong khi đó, nghề thêu tay cần những người nắm vững và thành thạo cách làm, đòi hỏi thời gian dài học hỏi. Rất hi vọng nghề thêu truyền thống của quê hương sẽ được bảo tồn, lưu giữ".
(Theo VTV)
Các tin khác
YBĐT - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính. Kể từ đó đến nay, ngành giao thông vận tải (GTVT) luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, với nhiều thời kỳ sôi nổi và hào hùng.
YBĐT - Thời gian qua, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng. Đó là mong muốn của tỉnh cũng như các chương trình phát triển HTX.
YBĐT - Đến 1/4/2016, toàn tỉnh có 103.900 con trâu, trên 22.000 con bò, trên 509.700 con lợn, tổng đàn gia cầm hơn 3,9 triệu con.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế công khai thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu để phối hợp quản lý tránh sử dụng sai mục đích.