Yên Bái: Giao thông đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 2:00:08 PM
YBĐT - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông Công chính. Kể từ đó đến nay, ngành giao thông vận tải (GTVT) luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, với nhiều thời kỳ sôi nổi và hào hùng.
Đồng chí Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT (người đội mũ) kiểm tra việc xử lý sạt lở tại đèo Khau Phạ do ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2016.
|
Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ khi mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành GTVT Yên Bái đã lập nên những kỳ tích trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với cả nước hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.
Trong đó, ngành GTVT Yên Bái đã tổ chức nhiều công trường dã chiến dưới bom đạn của địch để xây dựng các tuyến đường chiến lược phục vụ chiến đấu. Những công trình gắn liền với chiến công rạng rỡ, ghi dấu son trong bề dày thành tích của ngành GTVT và trở thành địa danh lịch sử: bến phà Âu Lâu, Trái Hút, Mậu A; đường 13A, đèo Lũng Lô, Ba Khe, đèo Khau Phạ...
Trong thời chiến, cầu, đường giao thông luôn là mục tiêu đánh phá số một của địch. Chiến tranh đã tàn phá khốc liệt các cơ sở hạ tầng giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của tỉnh và đất nước. Vì vậy, khi đất nước thống nhất, công cuộc kiến thiết đã đặt ra cho ngành GTVT những nhiệm vụ mới, trọng trách hết sức nặng nề.
Một lần nữa, tinh thần “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT trong kháng chiến lại được phát huy cao độ trong dựng xây đất nước. Tại Yên Bái, ngay sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Ty Giao thông Công chính được thành lập và đến 1960, Ty GTVT Nghĩa Lộ cũng được thành lập.
Thời kỳ này, mạng lưới đường sá được khôi phục, mở mang khá lớn, với hơn chục tuyến đường được khôi phục, cải tạo, xây dựng mới: quốc lộ 13A (nay là đường 37); đường Yên Bái - Trái Hút; Vĩnh Kiên - Cẩm Nhân và hệ thống đường thị xã Yên Bái, Nghĩa Lộ... với tổng chiều dài trên 300 km.
Đồng thời, một loạt cầu sắt, cầu gỗ được xây dựng như: cầu Cửa Thiến, cầu Đát Quang trên đường 37; cầu Móc Tôm, Đào Thịnh, Ngòi Hóp... trên đường Yên Bái - Mậu A. Các tổng đội công trình của địa phương được thành lập, sau này trở thành Công ty Xây dựng cầu đường.
Lực lượng vận tải cơ giới quốc doanh vận tải được thành lập cùng với lực lượng xe thô sơ: xe trâu, xe bò, xe cải tiến đã vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn phục vụ kịp thời yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế. Giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, đặc biệt là phục vụ việc đi lại ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Xưởng sửa chữa thuyền, phà ra đời (nay là Công ty cổ phần Xây dựng cầu) đã sửa chữa, đóng mới nhiều phương tiện vượt sông đáp ứng công tác đảm bảo giao thông ở một số bến phà trên địa bàn.
Công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đang trên đà phát triển thì đế quốc Mỹ lại leo thang bắn phá miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ yêu cầu của cuộc kháng chiến “Đảm bảo GTVT trở thành nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”. Để giữ vững mạch máu giao thông cho sản xuất, chiến đấu, cán bộ, công nhân ngành GTVT đã thực sự trở thành những chiến sĩ vững vàng ý chí “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Địch phá, ta cứ đi”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”...
Trong thời kỳ này, các sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật để khắc phục những khó khăn đã phát huy cao độ, có sự đột phá. Các cán bộ khoa học, kỹ thuật ngành GTVT đã nghiên cứu nhiều biện pháp để cứu chữa nhanh chóng, an toàn tất cả các loại cầu đường, phao phà, tàu xe; nghiên cứu cải tiến và sản xuất ra các phương tiện vượt sông và vận tải. Từ gian nan, thử thách đã sáng ngời bao tấm gương anh hùng quả cảm, nở rộ hoa chiến công trên những cung đường ra tiền tuyến.
Có thể nói, cùng với sự phát triển, trưởng thành của ngành GTVT Việt Nam, 71 năm qua, GTVT Yên Bái đã có biết bao đổi thay, lớn mạnh. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái và nhiệm vụ của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao, trong 10 năm trở lại đây (2006 - 2016), tổng giá trị đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông đạt 7.422 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư trên, đến nay hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ Yên Bái đã khá hoàn chỉnh, tạo sự kết nối, liên hoàn giữa các vùng, miền với chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ là 7.462 km, trong đó: đường cao tốc 80,52 km; đường quốc lộ gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 374 km; đường tỉnh 15 tuyến với tổng chiều dài 440 km; đường đô thị có tổng chiều dài 181km; đường giao thông nông thôn 6.386 km (trong đó đường huyện 1.360 km, chiếm 21,31%, tỷ lệ kiên cố đạt 47,5%; đường xã 2.878 km, chiếm 45,06%, tỷ lệ kiên cố đạt 19,56%; đường thôn bản 2.148 km, chiếm 33,62%, tỷ lệ kiên cố hóa đạt khoảng 5%).
Nhiều công trình giao thông qui mô lớn tạo điểm nhấn như: cầu Yên Bái, cầu Văn Phú, cầu Mậu A, cầu Trái Hút; hệ thống quốc lộ được nâng cấp, cải tạo, mở rộng như quốc lộ 32, 37, 32C. Đường tỉnh lộ được nâng cấp, cải tạo, mở rộng như: đường Hợp Minh - Mỵ, đường Đại Lịch - Minh An, đường Văn Chấn - Trạm Tấu, đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường Khánh Hòa - Minh Xuân, đường Yên Bái - Khe Sang, đường An Bình - Lâm Giang, đường Mậu A - Tân Nguyên, đường Mường La - Mù Cang Chải.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tại thành phố Yên Bái đã có nhiều công trình giao thông trọng điểm được xây dựng, mở mới như đường trung tâm Km 5 - Yên Bình, đường tránh ngập thành phố Yên Bái và hiện vừa khởi công công trình cầu Tuần Quán vượt sông Hồng kết nối hai bờ mở rộng không gian đô thị thành phố. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư và đoạn qua địa phận Yên Bái dài gần 81 km, mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra những cơ hội kiến tạo thế và lực mới cho sự phát triển của miền Tây Bắc.
Các tuyến đường bộ, cây cầu, tiếp tục được nâng cấp cải tạo, mở rộng và xây dựng mới, tạo nên những “mạch máu” giao thông ngày càng hoàn chỉnh. Mạng lưới đường giao thông nông thôn vươn tới các vùng sâu, vùng xa, cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến 2014, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT tỉnh Yên Bái đã đạt 2.484 tỷ đồng.
Từ những nguồn vốn đó, toàn tỉnh đã mở mới 1.594 km đường, nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa 1.034 km (bê tông xi măng 955km, mặt đường láng nhựa 79 km) và xây dựng 42 cầu bê tông, 19 cầu treo, 26 ngầm tràn các loại. Đến Yên Bái hôm nay, những con đường mòn, đường đất đã được thay bằng những con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản và được xem như những con đường no ấm. Đặc biệt, thực hiện Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh của Bộ GTVT trong Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, Yên Bái được đầu tư thay thế, làm mới trên 30 cầu.
Đến thời điểm này, đã hoàn thành được 8 cầu, góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác đồng bộ đã tạo điều kiện phát triển các dịch vụ vận tải, cho thấy ngành GTVT Yên Bái đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nền kinh tế của tỉnh.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo ra bước phát triển ổn định vững chắc trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải hành khách, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường với chất lượng cao.
Định hướng phát triển giao thông vận tải địa phương luôn gắn với chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT chung của cả nước với mục tiêu hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, xóa bỏ các điểm đen, kiểm soát chặt chẽ phương tiện quá khổ, quá tải, tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe...
Nhìn lại chặng đường 71 năm qua, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đều có quyền tự hào: GTVT đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của cả dân tộc. Trong mỗi bước tiến của đất nước đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sự góp công của những bàn tay, khối óc của đội ngũ những người lao động ngành GTVT.
Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp phát triển của tỉnh đã và đang đặt ra cho ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức to lớn, đòi hỏi ngành không những phải luôn đồng hành cùng sự phát triển của địa phương mà còn phải “Đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế” với những bước phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng GTVT trong những năm tới bằng những mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2020, hệ thống GTNT cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong tỉnh. Trong đó, mở rộng, nâng cấp các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh; xây dựng thêm các tuyến đường ngang, đường bộ đối ngoại; xây dựng hệ thống đường đô thị.
Tích cực tham mưu hoàn chỉnh quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo ra lợi thế và rút ngắn khoảng cách với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; tiếp tục coi trọng phát triển giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đảm bảo phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã, đảm bảo thông suốt quanh năm, thiết thực góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trước những đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài, nhằm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ GTVT giao, ngành GTVT Yên Bái xác định, cần phải có tư duy nhận thức mới, cố gắng phấn đấu vươn lên về mọi mặt.
Trước mắt là quan tâm đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên ngành có hiệu quả, thực hiện tốt việc tham mưu giúp tỉnh về nhiệm vụ phát triển giao thông; phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương quản lý, xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch GTVT trên địa bàn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngành, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công việc; tăng cường tham mưu về cơ chế, chính sách để vận động thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và quản lý mạng lưới giao thông hiện có; quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn và đô thị, phát triển vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp CNH - HĐH, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương và khu vực.
Với truyền thống “ Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo”, phát huy những thành tích đã đạt được, ngành GTVT Yên Bái xin hứa với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ GTVT, các thế hệ cán bộ, công nhân, nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới để ngành GTVT tiếp tục góp phần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
Đỗ Văn Dự - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng. Đó là mong muốn của tỉnh cũng như các chương trình phát triển HTX.
YBĐT - Đến 1/4/2016, toàn tỉnh có 103.900 con trâu, trên 22.000 con bò, trên 509.700 con lợn, tổng đàn gia cầm hơn 3,9 triệu con.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế công khai thông tin về các đơn vị được phép nhập khẩu để phối hợp quản lý tránh sử dụng sai mục đích.
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao, địa hình 100% là đồi núi độ dốc lớn, vách đứng xen kẽ các khe suối nhỏ, khi mùa mưa đến tạo thành thác lớn chảy. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu làm nương rẫy, ruộng bậc thang, công trình thủy lợi ở đầu các con suối có độ dốc cao, nhân dân định cư ở sườn núi. Vì vậy, khi có thiên tai xảy ra, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) gặp nhiều khó khăn.