“Tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn là tích cực”
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 10:13:35 AM
“Quan điểm của chúng tôi về tăng trưởng của Việt Nam trong năm sau và trong trung hạn là tích cực”, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh tại buổi ra mắt báo cáo điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, chiều 5/12.
Giám đốc WB tại Việt Nam (giữa) và các chuyên gia WB tại buổi ra mắt báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam.
|
Dự kiến GDP tăng 6,3%
Nhìn tổng quan, WB cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ sức dẻo dai nhờ lực cầu mạnh trong nước và kết quả khả quan của các ngành sản xuất, chế biến định hướng xuất khẩu.
Về sản xuất, ngành nông nghiệp và khai khoáng có sự suy giảm, nhưng lại được bù đắp bằng tăng trưởng tuy chưa cao nhưng ổn định trong các ngành sản xuất chế tạo chế biến, xây dựng và dịch vụ.
Bên cạnh đó, sức cầu trong nước vẫn vững mạnh do chính sách tài khóa, tiền tệ và tín dụng mở rộng. Tăng trưởng đầu tư theo thế đi lên do đầu tư công được duy trì, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng tín dụng mạnh.
Trong khi đó, tiêu dùng ở khu vực công và tư nhân cũng được đẩy mạnh, do tăng lương ở khu vực công làm tăng thu nhập thực và do duy trì được lòng tin của người tiêu dùng.
Báo cáo cũng nêu rõ, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn. Tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến xoay quanh 6% nhờ sức cầu mạnh trong nước và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất
khẩu.
Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được WB dự kiến sẽ lên mức 6,3% trong giai đoạn 2017 - 2018, nhờ sản xuất nông nghiệp được phục hồi và triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện.
Theo chuyên gia WB, lạm phát đã gia tăng trong mấy tháng gần đây sau một loạt các quyết định tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhưng ước tính vẫn nằm trong mục tiêu dưới 5% của Chính phủ.
Kỳ vọng lạm phát ước tính sẽ tăng ở mức vừa phải trong năm tới do giá hàng hóa vànhiên liệu dần hồi phục. Cán cân đối ngoại tiếp tục được củng cố do cải thiện cán cân thương mại.
Bội chi ngân sách dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 6% GDP trong năm nay, nhưng sẽ được điều chỉnh trong trung hạn theo các cam kết của Chính phủ.
Lo ngại chính sách tiền tệ
Dưới góc nhìn của WB, nhờ tình hình kinh tế đối ngoại tiếp tục được cải thiện, tỷ giá danh nghĩa được giữ ở mức khá ổn định kể từ đầu năm, cho dù đồng Việt Nam đã có nhiều biến động trong tháng 11 do USD đang mạnh lên ở mức kỷ lục.
Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng được nâng lên, tuy vẫn còn ở mức tương đối thấp - khoảng 2,6 tháng nhập khẩu vào cuối quý 2/2016.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ là vẫn còn đó mối lo ngại về sự tăng tỷ giá thực hữu hiệu (REER) của tiền đồng và tác động bất lợi tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh USD tiếp tục mạnh lên, và tình trạng mất giá tiền tệ của các bạn hàng thương mại chính của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí, các chuyên gia WB cũng hơn một lần bày tỏ lo ngại khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô.
Ông Sebastian Eckardt phân tích, dự trữ ngoại hối được tích lũy nhưng chưa được trung hòa triệt để nên tổng phương tiện thanh toán đã tăng khá nhanh trong cả năm qua, với tốc độ khoảng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá danh nghĩa.
Thanh khoản dồi dào kết hợp với một số biện pháp nới lỏng các yêu cầu cẩn trọng vĩ mô khiến cho tăng trưởng tín dụng lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 10/2016.
Mặc dù áp lực lạm phát vẫn chưa cao, nhưng hiện đang có quan ngại cho rằng tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức cao và kéo dài - giống như trước đây - sẽ gây áp lực về giá tài sản, từ đó kích hoạt áp lực lạm phát về lâu dài.
Bên cạnh đó những rủi ro hiện hữu về ổn định tài chính trong trung hạn có thể tăng lên, nhất là với tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam - hiện ở mức 112% - vốn đã là cao với nền kinh tế với mức thu nhập như Việt Nam và vấn đề nợ xấu trước đây chưa được xử lý triệt để, WB cảnh báo.
(Theo Vneconomy)
Các tin khác
Đường bê tông nối liền thôn, bản, đường bê tông dẫn ra ruộng đồng rồi chạy lên những lưng đồi xanh ngắt. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hoá, mở rộng đã tạo động lực giúp người dân xã Mai Sơn, huyện Lục Yên phát triển kinh tế, tiến dần đến đích nông thôn mới.
YBĐT - Những năm qua, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp… Cùng với đó, giờ đây, cam, quýt đang là một trong những cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả cao trong phát triển sản xuất.
YBĐT - Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm. Trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.
Giá xăng bán lẻ tăng 300 đồng một lít, trong khi các mặt hàng dầu cũng cộng thêm 163-275 đồng một lít, kg từ 19h tối 5/12.