Chuyển biến tư duy kinh tế ở Nậm Mười
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 2:14:39 PM
YBĐT - Xã Nậm Mười (Văn Chấn) đã duy trì trên 30 mô hình phát triển kinh tế như: mô hình chăn nuôi lợn từ 50 con trở lên; mô hình chăn nuôi trâu, bò; mô hình chưng cất tinh dầu quế; mô hình trồng quế.
Mô hình trồng gừng của gia đình bà Đặng Thị Còi, thôn Nậm Mười.
|
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, Nậm Mười có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Vượt qua những trở ngại lớn như khó khăn về giao thông, hạn chế về trình độ dân trí, thiếu điện... những năm trở lại đây, người dân Nậm Mười đã tích cực học tập, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tập trung phát triển kinh tế. Từ đó, bộ mặt nông thôn vùng cao đã có nhiều thay đổi.
Gia đình bà Đặng Thị Còi, thôn Nậm Mười là một trong những hộ tham gia vào nhóm thực hiện liên kết trồng gừng tại các xã Nậm Mười, Sơn Lương và Suối Giàng của huyện Văn Chấn. Riêng xã Nậm Mười trồng gừng trên diện tích 9,2 ha được chia ở 4 nhóm hộ, mỗi nhóm từ 10 đến 15 hộ.
Liên kết được hình thành trong khuôn khổ Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 giữa 20 nhóm đồng sở thích và Công ty TNHH Quốc tế Vinapas Việt Nam, do Ban Quản lý Dự án huyện Văn Chấn làm chủ đầu tư. Tham gia trồng gừng từ tháng 4/2016, đến nay, vườn gừng với 3 tạ giống của gia đình đang phát triển tốt.
Bà Còi cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng lúa, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nay được tham gia vào dự án trồng gừng, được hỗ trợ gừng giống và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau thu hoạch, toàn bộ gừng thương phẩm sẽ được bao tiêu nên gia đình rất phấn khởi. Hiện nay, gừng đang lên xanh tốt, nên hy vọng đây sẽ là bước đi mới giúp bà con địa phương tăng thêm thu nhập”.
Tâm thế luôn sẵn sàng tiếp thu, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới là cách làm đúng đắn mà chính quyền địa phương cũng như người dân xã Nậm Mười áp dụng để nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và người dân địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội nên thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 3,5 triệu đồng/người năm 2011 lên 8 triệu đồng/người vào năm 2015.
Có được kết quả đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hàng năm, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Chấn tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn trồng và chăm sóc lúa, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng nấm rơm...
Từ đó, bà con áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Hiện nay, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn xã là 158 ha, tăng 10 ha so với cùng kỳ năm 2015, năng suất đạt 4,5 tạ/ha, sản lượng 711 tấn, tăng 44,3 tấn so với cùng kỳ năm 2015. Tổng đàn trâu, bò, lợn, dê toàn xã có trên 3.700 con.
Xã đã duy trì trên 30 mô hình phát triển kinh tế như: mô hình chăn nuôi lợn từ 50 con trở lên; mô hình chăn nuôi trâu, bò; mô hình chưng cất tinh dầu quế; mô hình trồng quế. Các thôn: Khe Trang, Nậm Biếu, Làng Cò xuất hiện ngày càng nhiều những gia đình điển hình làm kinh tế, cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên.
Tiêu biểu như gia đình ông Bàn Thừa Hín, phát triển chăn nuôi và trồng quế; gia đình ông Đặng Phúc Thắng, thôn Khe Trang chăn nuôi trâu bò; gia đình ông Đặng Kim Vượng phát triển kinh doanh, dịch vụ... Những mô hình này đã và đang góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo ông Bàn Thừa Phúc - Chủ tịch UBND xã Nậm Mười, những năm gần đây, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho địa phương được phát huy hiệu quả, đã từng bước giúp cho người nông dân trong xã đặc biệt khó khăn của huyện thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề sản xuất, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương".
Tuy nhiên, từ quốc lộ 32 đi vào trung tâm xã khoảng 25 km và đường giao thông đi lại giữa các thôn, bản trên địa bàn xã còn rất khó khăn nên các sản phẩm của bà con làm ra thường bị người mua ép giá, giá thấp hơn nhiều so với giá trung bình trên thị trường. Để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, chính quyền địa phương và bà con mong muốn được Nhà nước đầu tư con đường, bởi đó sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa để Nậm Mười vươn lên thoát nghèo.
Thanh Chi
Các tin khác
“Quan điểm của chúng tôi về tăng trưởng của Việt Nam trong năm sau và trong trung hạn là tích cực”, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh tại buổi ra mắt báo cáo điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, chiều 5/12.
Đường bê tông nối liền thôn, bản, đường bê tông dẫn ra ruộng đồng rồi chạy lên những lưng đồi xanh ngắt. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hoá, mở rộng đã tạo động lực giúp người dân xã Mai Sơn, huyện Lục Yên phát triển kinh tế, tiến dần đến đích nông thôn mới.
YBĐT - Những năm qua, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp… Cùng với đó, giờ đây, cam, quýt đang là một trong những cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả cao trong phát triển sản xuất.
YBĐT - Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm. Trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.