Đông An phát triển chăn nuôi hàng hóa
- Cập nhật: Thứ tư, 7/12/2016 | 8:00:38 AM
YBĐT - Những năm trước đây, chăn nuôi đại gia súc ở xã Đông An, huyện Văn Yên chủ yếu để lấy sức cày kéo. Đến nay, do nông dân đã dần đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, nên xã đã chuyển dần từ chăn nuôi trâu, bò cày kéo sang chăn nuôi hàng hoá.
Với 54 ha chuối các loại, mỗi năm người dân xã Đông An thu được trên 20 tỷ đồng.
|
Gia đình bà Nguyễn Thị Hái, thôn Khe Quyền có đàn trâu trên chục con. Bà Hái chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, do chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo rồi mất. Một nách hai nuôi con đang tuổi đi học nên tôi khá vất vả, phải đi làm thuê để lo toan cho gia đình. Năm 2014, tôi gom góp được chút vốn và được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi mua được 4 cặp trâu, xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ và ngô trên thửa đất ven suối do gia đình thuê lại. Sau một năm, tôi thu được 2 tấn ngô, bán đi đã đủ tiền thuê đất là 12 triệu đồng/năm, còn lại diện tích trồng cỏ nuôi trâu coi như là tiền lãi. Trâu có đủ nguồn thức ăn, lại được cán bộ khuyến nông xã hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, nên trâu phát triển rất tốt. Năm 2016, tổng đàn trâu đã có 14 con, tôi bán 3 con thu 55 triệu đồng”.
Đây là nguồn thu chưa phải là lớn so với các nghề khác, nhưng việc đầu tư chăn nuôi của bà Hái đã tạo động lực cho nhiều người nhận thấy triển vọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở địa phương. Đồng thời, đây cũng là sự khẳng định một hướng đi mới của người dân khi được Đảng bộ, chính quyền xã khuyến khích, vận động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi nhận thức, chủ động cải tiến phương thức chăn nuôi, trồng trọt, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: “Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã đã hướng người dân chuyển dần từ chăn nuôi trâu phục vụ sản xuất sang chăn nuôi hàng hoá; hướng dẫn phòng chống rét, dịch bệnh và hỗ trợ bà con kiên cố chuồng trại, tiêm phòng, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Triển khai những chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi: hỗ trợ giống cỏ VA06 và hỗ trợ tiền xây máng ăn cho trâu, bò; thực hiện chương trình hỗ trợ cho các hộ nuôi từ 3 con trâu trở lên; hỗ trợ nuôi trâu, bò tập trung theo phương pháp bán công nghiệp…”.
Vì vậy, hiện nay, toàn xã đã có trên 10 mô hình nuôi trâu với quy mô 10 con trên một gia trại, góp phần đưa tổng đàn trâu toàn xã lên trên 1.100 con. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng phát triển đàn lợn và gia cầm. Hiện nay, nguồn thu hàng năm từ chăn nuôi đạt trên 61 tỷ đồng. Xã cũng đưa vào địa phương những giống cây trồng phù hợp và khuyến khích người dân phát triển như: cây quế với diện tích 1.500 ha, cây chuối 54 ha, 6 ha cam Vinh, chanh, bưởi và 2,4 ha nhãn... cho thu gần 30 tỷ đồng trong năm 2016. Từ các nguồn thu, đã đưa thu nhập bình quân đầu người của xã Đông An năm 2016 đạt khoảng 28 triệu đồng/năm, cao hơn 7,5 triệu đồng so với năm 2015.
Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, bộ mặt nông thôn ở xã Đông An đã có sự đổi thay rõ nét, nhất là chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Với những giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương, chắc chắn Đông An sẽ ngày càng đổi thay hơn nữa và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng do năng động trong phát triển kinh tế, chịu khó học hỏi và dám nghĩ, dám làm, ông Nông Đức Ái, thôn Thâm Bưa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu từ mô hình nuôi thỏ.
YBĐT - Chiều 6/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Yên Bái đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
YBĐT - Huyện vùng cao Mù Cang Chải vừa giới thiệu tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm nay 25 sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh biết đến.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định giao Bộ NN-PTNT xuất cấp (không thu tiền) 2.016 tấn hạt giống lúa; 325 tấn hạt giống ngô và 58 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.