Cây xóa nghèo ở Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2017 | 1:49:39 PM

YBĐT - Huyện Lục Yên từ xưa đã được coi là thủ phủ của giống cam sành. Cam Lục Yên từ lâu nổi tiếng là giống cam ngọt, thanh mát được người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước ưa chuộng.

Cây cam đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong huyện.
Cây cam đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong huyện.

Cây cam sành xuất hiện ở Lục Yên từ hàng trăm năm nay và do phù hợp với đất đai, khí hậu nên cam sinh trưởng, phát triển tốt và trở thành cây ăn quả đặc sản.

Hiện nay, cam sành Lục Yên được trồng chủ yếu ở xã Khánh Hòa, Tân Lĩnh, thị trấn Yên Thế và xã Mường Lai. Đến thăm vườn cam của ông Nông Văn Ba, thôn Nà Bó, xã Mường Lai là hộ tiêu biểu trong việc trồng cam của địa phương. Mặc dù diện tích đất rộng, song trước đây ông chủ yếu là trồng rau màu.

Sau khi tham khảo nhiều nơi, nhận thấy cây cam sành phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, nên đầu năm 2004, ông chuyển sang trồng cam.

Đến nay, ông có hơn 1 ha cam, trong đó, nửa già là cam sành còn lại các loại cam khác. Vụ cam năm 2016, ông Ba thu về gần 300 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng cam cho thu nhập cao, năm 2017, ông tiếp tục mở rộng diện tích thêm gần 1 ha.

Gia đình anh Hoàng Trọng Sắc, thôn Nà Cáy, xã Mường Lai cũng vậy. Cách đây 5 năm, anh Sắc chuyển toàn bộ diện tích đồi gò, vườn tạp gần 2 ha sang trồng cam, trong đó, 1 ha là cam sành, còn lại là cam Vinh.

Sau 3 năm cây ra bói và đến năm thứ 4, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch. Vụ quả đầu tiên, anh thu về 16 tấn quả, trừ chi phí cũng cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh tập trung đầu tư chăm bón ngay từ khi cây mới bắt đầu đơm hoa, nên đã thu về gần 40 tấn quả.

Với giá bán bình quân 10.000 - 12.000 đồng/kg cam sành và 20.000 đồng/kg cam Vinh, trừ chi phí còn thu về gần 600 triệu đồng. So với trồng lúa thì trồng cam lãi hơn rất nhiều. Vì thế, nhiều hộ của xã Mường Lai đã chuyển đất màu sang trồng cam.

Theo ông Hoàng Văn Mới - Chủ tịch UBND xã Mường Lai, hiện nay xã có 70 ha cam, chủ yếu là cam sành, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 12 tấn/ha. Năm 2016, xuất bán ra thị trường 600 tấn quả, thu về hàng tỷ đồng.

Là địa phương có diện tích cam lớn nhất của huyện, xã Khánh Hòa có trên 110 ha cam các loại, trong đó có 80 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 10 - 12 tấn/ha, sản lượng trung bình mỗi năm trên 900 tấn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Cây cam đã và đang là cây trồng chủ lực giúp nông dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: "Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã vận động các hộ dân tiếp tục đầu tư thâm canh mở rộng diện tích, khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ vững thương hiệu cam của huyện và coi đây là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân".

Theo thống kê, hiện nay huyện Lục Yên có trên 460 ha cam được trồng ở 18/24 xã, thị trấn và chủ yếu là cam sành, cam Vinh, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam các loại. Cam là loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhờ trồng cam nhiều hộ có thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả của tỉnh và Chương trình hành động số 10/CT-HU ngày 9/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Yên về việc thực Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, thời gian vừa qua, Phòng đã tham mưu với UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã trong vùng quy hoạch đầu tư thâm canh mở rộng diện tích cam. Trong đó, chú trọng cam sành và coi đây là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Với mức hỗ trợ trồng mới 20 triệu đồng/ha từ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, năm 2016, huyện đã trồng mới thêm 150 ha cam các loại".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong 5 năm tới, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung xây dựng triển khai đề án hình thành vùng cây ăn quả có múi, khuyến khích phát triển cây cam sành truyền thống và một số giống cam tiến bộ kỹ thuật mới, phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích cam lên 550 ha, tập trung ở các xã: Khánh Hòa 300 ha, Mường Lai 100 ha, Minh Xuân 50 ha, Yên Thắng 50 ha, Khai Trung 50 ha…; xây dựng các mô hình trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cam Lục Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Lục Yên".

Đây là tiền đề quan trọng nâng cao uy tín của sản phẩm cam Lục Yên trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Chắc chắn, khi các đề án, chính sách hỗ trợ trong phát triển nông, lâm nghiệp và hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi của huyện Lục Yên triển khai sẽ mở ra triển vọng mới cho nông dân yên tâm đầu tư nghề trồng cây ăn quả đặc sản để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Thanh Tân

Các tin khác
Người dân đến mua sắm dịp tết tại Siêu thị Anh Mỹ.

YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, thị trường hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Mô hình trồng cam của nông dân xã Việt Cường (Trấn Yên).

YBĐT - Hôm nay 2/2/2017 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu) các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn động viên nhân dân sản xuất đầu năm.

YBĐT - Những ngày đầu xuân mới, trong không khí tràn đầy niềm vui, hy vọng, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã hăng hái lao động, sản xuất để giành những thắng lợi mới…

YBĐT - Toàn tỉnh phấn đấu hết năm  nay có thêm ít nhất 12 xã hoàn thành tiêu chí 13, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất lên 84.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục