Hướng thoát nghèo ở Mường Lai
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/2/2017 | 1:43:58 PM
YBĐT - Đó là mô hình nuôi cá lồng trên các đập thủy lợi: Từ Hiếu, Roong Đeng, Tặng An của xã Mường Lai thực hiện theo Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên.
Ông Nông Công Minh, thôn Từ Hiếu (bên trái) giới thiệu mô hình nuôi cá lồng của gia đình.
|
Sẵn có kinh nghiệm nuôi cá từ trước, lại được thuê diện tích mặt nước đập Từ Hiếu của xã để làm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn và tham quan trên hồ, năm 2015, ông Nông Công Minh, thôn Từ Hiếu được hỗ trợ đóng mới 4 lồng nuôi cá với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh. Để tiện cho việc kinh doanh dịch vụ, ông Minh tìm mua cá giống loại từ 1,5 kg trở lên để nuôi.
Ông cho biết: “Đầu tư cá giống to, nuôi vừa nhanh được bán, vừa để cho khách du lịch tham quan. Nếu khách có nhu cầu mua hoặc đặt ăn uống, mình đã có sẵn cá tươi ngon để phục vụ. Mặt khác, nuôi cá giống lớn ít bị dịch bệnh hơn”.
Nhờ biết tính toán giữa việc nuôi cá kết hợp với làm dịch vụ trên hồ, nên sau một năm nuôi cá đã cho gia đình ông hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bằng hình thức đánh tỉa, thả bù, bình quân một lồng cá mỗi năm cho thu hoạch 4 tạ cá, với giá bán bình quân 70.000 đồng/kg cá trắm cỏ thì mỗi lồng cá cũng mang về nguồn thu gần 30 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi cá lồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2017, ông đầu tư thêm 10 triệu đồng nữa để nuôi 2 lồng cá nheo và cá ngạnh. Theo như chia sẻ của ông Minh thì nuôi cá nheo và cá ngạnh giá bán cao hơn (bình quân từ 100.000 - 200.000 đồng/kg), nên một lồng cá nheo và cá ngạnh thu nhập cao hơn cá trắm cỏ trên 10 triệu đồng. Bởi vậy, trước mắt ông nuôi thử nghiệm 2 lồng cá nheo và cá ngạnh, nếu hiệu quả tốt sẽ đầu tư mở rộng quy mô.
Gia đình ông Ma Văn Lâm, thôn Từ Hiếu cũng vậy, trước đây khi chưa nuôi cá lồng, gia đình ông cũng đã có khoảng thời gian khá dài nuôi cá ao. Tuy nhiên, khi đó việc nuôi cá chưa mang tính chuyên canh nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2015, được hỗ trợ đóng mới 4 lồng cá, ông đã mạnh dạn mua cá giống về để nuôi, kết hợp nuôi cá trắm cỏ và cá rô phi đơn tính. Sau một năm nuôi cá lồng, trừ chi phí cá giống, thức ăn, 4 lồng cá đã cho ông thu lãi trên 70 triệu đồng.
Ông Lâm cho biết: “So với nuôi lợn, gà thì nuôi cá lãi hơn nhiều, đầu tư chi phí ít, giá cá ổn định, ít dịch bệnh, không mất nhiều công chăm sóc. Nếu mình có kiến thức, có kinh nghiệm thì nên đầu tư nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá ngạnh, cá nheo thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều”. Nhờ nuôi cá mà cuộc sống gia đình ông đã khá lên trông thấy. Dự định năm 2017 này, ông sẽ tiếp tục đăng ký đóng thêm lồng để mở rộng quy mô nuôi cá theo hình thức chuyên canh.
Gia đình ông Hoàng Văn Chiếm, thôn Tặng An với lợi thế gần đập Tặng An nên khi được hỗ trợ đóng mới 4 lồng cá, ông đã mạnh dạn đầu tư mua cá giống trắm cỏ về nuôi. Để có thêm kiến thức về nuôi cá lồng, ngoài việc tìm đọc các tài liệu qua sách báo, ông còn tìm đến các hộ nuôi cá lồng ở những địa phương lân cận tham quan mô hình và học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá của những hộ có thâm niên từ trước. Nhờ vậy, sau 2 năm nuôi cá lồng, cuộc sống gia đình ông đã khá lên trông thấy.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông Chiếm cho biết: “Đầu năm 2017 này, tôi sẽ cải tạo một số diện tích ruộng trũng để ươm nuôi cá giống để khi cá lớn sẽ chuyển ra nuôi ở lồng. Nuôi theo hình thức này, mình có cá bán quanh năm, tức là cứ đánh tỉa đến đâu lại thả bù đến đó, nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”.
Thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2015, xã Mường Lai, huyện Lục Yên được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên các đập thủy lợi: Từ Hiếu, Roong Đeng, Tặng An.
Qua 2 năm thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản, đến nay, xã Mường Lai đã có 16 lồng cá. Riêng tháng đầu năm 2017, đã có thêm 8 lồng được đóng mới đưa vào nuôi tại các đập thủy lợi: Từ Hiếu, Roong Đeng và Tặng An. Sản lượng bình quân năm 2016 đạt trên 60 tấn, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg cá rô phi đơn tính và 70.000 đồng/kg cá trắm cỏ thì nuôi cá lồng cũng mang lại nguồn thu khá cho các hộ dân trong xã. Nhiều hộ dân nhờ nuôi cá lồng đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Ông Triệu Văn Thuộc - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: “Để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, địa phương tiếp tục vận động các hộ dân sống gần 3 đập thủy lợi trên địa bàn xã và những hộ dân khác trong xã tiếp tục đăng ký danh sách để hỗ trợ đóng lồng nuôi. Để hướng tới việc nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, xã cũng đã kiến nghị với các phòng, ban chuyên môn của huyện tạo mối liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng để đầu ra được thuận lợi. Đồng thời, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản hình thành tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ nhau về con giống, kinh nghiệm nuôi trồng cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định, hợp lý”.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh Yên Bái chưa phát hiện cơ sở nào sử dụng chất cấm trong kinh doanh thuốc thú y và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Đây là thông tin được biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017.
Theo thông báo của Tổng cục Thuế, từ 19 giờ hôm nay 10-2 đến 7 giờ ngày 13-2 một số ứng dụng - kê khai trên trang web của Tổng cục Thuế sẽ tạm ngừng phục vụ để nâng cấp hệ thống. Đó là ứng dụng kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực, dịch vụ thuế điện tử, kê khai và nộp thuế cho cá nhân.
YBĐT - Trong 4 ngày (từ 26 đến 29 tháng Chạp) và ba ngày sau kỳ nghỉ tết (từ mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng), người dân ùn ùn kéo đến gửi tiết kiệm. Chuyện phải chờ trực mới đến lượt gửi tiền tiết kiệm đúng là chưa bao giờ xảy ra như tết năm nay.
YBĐT - Vụ xuân 2017, Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.006 ha, trong đó 70% là giống lúa lai, 30% là các giống lúa thuần chất lượng cao. Tính đến ngày 3/2, toàn huyện đã gieo cấy được 1.200 ha, đạt gần 60% kế hoạch.