Yên Bình chú trọng kiên cố hóa đường nông thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/2/2017 | 8:20:17 AM
YBĐT - Năm 2016, tuy chỉ được thực hiện đầu tư 33 công trình giao thông, trong đó 2 công trình chuyển tiếp từ năm 2015, song những công trình đã đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như khẳng định sự chú trọng trong phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Yên Bình.
Người dân xã Bạch Hà tham gia đổ bê tông, cứng hóa đường nông thôn.
|
Theo ông Hoàng Mạnh Tài - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Bình, trong số 33 công trình có 23 danh mục công trình kiên cố hóa đường nông thôn thuộc đề án phát triển GTNT ở 10 xã trên địa bàn huyện với tổng chiều dài gần 9,7 km đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả.
Quá trình thực hiện kiên cố hóa GTNT, huyện đã lồng ghép các nguồn đầu tư, ưu tiên tập trung cho các xã cần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
“Điều đáng mừng là, nhân dân các địa phương có công trình đã nhiệt tình hưởng ứng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều hộ hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng nền đường, tham gia công lao động cùng các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong gần 8,3 tỷ đồng tổng giá trị 23 công trình kiên cố hóa thì có gần 4,6 tỷ đồng vốn của tỉnh, huyện, còn lại là nhân dân đóng góp và huy động từ nhiều nguồn lực khác” - ông Tài cho biết.
Những con đường thôn ở xã Đại Minh, Hán Đà, Mông Sơn đã tạo nên diện mạo nông thôn mới, giúp cho các xã hoàn thành tiêu chí giao thông, phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới.
Đường được kiên cố hóa đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất và giao thương của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Có thể kể tới đường từ trung tâm xã đến thôn 3 xã Yên Thành, đường thôn 1 xã Ngọc Chấn, đường thôn 10 xã Xuân Long, đường thôn Chanh xã Vĩnh Kiên, thôn Tân Bình xã Tân Hương, thôn Khe Nhà xã Tân Nguyên, đường thôn Ngòi Bang - Ngòi Ngần xã Bảo Ái…
Xã Bạch Hà là một trong những địa phương vùng sâu của huyện Yên Bình, những năm trước đây được sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh, xã đã kiên cố hóa được một số tuyến liên thôn, liên xã. Nhưng ở một địa bàn khó khăn, xa trung tâm huyện Yên Bình và trung tâm tỉnh Yên Bái đến năm sáu chục cây số, khi ốm đau, người dân ở đây thường đưa đến cơ sở y tế ở tỉnh bạn Tuyên Quang để chữa trị, thì tuyến huyết mạch nối giữa trung tâm xã Bạch Hà với tỉnh Tuyên Quang và quốc lộ 37 là con đường khá quan trọng.
Cuối năm 2016, con đường được bê tông hóa nhờ vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mong mỏi của bà con. Nhà nước đầu tư cát, sỏi, xi măng, người dân thôn Gò Chùa tự nguyện hiến đất mở rộng nền đường và đóng góp ngày công để hoàn thành công trình.
Gò Chùa là thôn con đường đi qua có 137 hộ, trên 500 nhân khẩu. Trước đây đã có đã có nền đường, nhưng khi thực hiện kiên cố hóa đã có 12 hộ hiến trên 350m đất dọc theo đường, giúp mở rộng hành lang và đi bớt khúc cong cua của con đường.
Ông Đỗ Đức Hòa - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngòi Chùa chia sẻ: “Bà con thôn Gò Chùa chúng tôi hết sức phấn khởi được quan tâm, hỗ trợ vốn để Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong quá trình làm đường, Chi bộ, thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn và bà con thường xuyên cùng nhau kiểm tra giám sát, cùng tháo gỡ khó khăn trong thi công đảm bảo chất lượng công trình, bởi đây cũng có các nguồn đóng góp của chính người dân. Con đường hoàn thành giúp cho nhân dân xã Bạch Hà nói chung và thôn Gò Chùa chúng tôi nói riêng đi lại được thuận tiện, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản và giao lưu kinh tế với tỉnh bạn Tuyên Quang rất thuận lợi”.
Còn đối với xã Phúc Ninh - một xã vùng ven Đông hồ Thác Bà thì việc Nhà nước đầu tư bê tông hóa con đường vào nối từ xã Cảm Nhân vào Trung Tâm xã được coi là một sự kiện đặc biệt. Người dân nơi đây sau nhiều năm mong mỏi, hết sức phấn khởi khi con đường đã được khởi công vào cuối năm 2016. Ông Hà Kim Cẩn ở thôn 2, xã Phúc Ninh vui mừng chia sẻ: “Thuận lợi rồi, xe cộ đi lại qua xã thuận lợi rồi! Thế là đưa cái dân Phúc Ninh ngày xưa cho đến ngày nay là hết khổ rồi”.
Được biết, sau khi được phân bổ nguồn đầu tư, UBND xã họp các các tổ chức đoàn thể ở địa phương và phân công các thành viên xuống cơ sở để tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương làm tuyến đường Cảm Nhân - Phúc Ninh, trong đó có đoạn Phúc Ninh 7km. Bà con trên địa bàn xã đồng tỉnh ủng hộ, thực hiện hiến đất làm đường giao thông để mở nắn tuyến. Hộ hiến ít cũng trên 10m, nhiều hơn hiến tới 150m đất theo chiều dài đường.
“Sau khi được đầu tư chắc chắn nhân dân xã chúng tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020” - ông Hà Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh tự tin trao đổi.
Năm 2017 này, huyện Yên Bình tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương xây dựng, kiên cố hóa đường nông thôn, gắn nâng cao nhận thức với huy động các nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để khi được phân bổ vốn là có thể thi công. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc các nhà thầu, giám sát việc thi công để các công trình đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có thể bị ảnh hưởng từ 6 đến 7 cơn bão, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và sẽ xuất hiện sớm hơn so với quy luật.
YBĐT - Có điện, 89 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Dao), thôn Nà Hỏa, xã Tô Mậu đón tết Nguyên đán Đinh Dậu to hơn, đầy đủ hơn với nhiều tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện…
YBĐT - Xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) có 162 ha cây ăn quả có múi, trong đó trên 58 ha đang cho thu hoạch. Hộ trồng nhiều trên 1.000 gốc, hộ ít khoảng 50 gốc.
YBĐT - Việc xây dựng các chòi trực an toàn, đảm bảo từ mô hình “Người dân và chính quyền tự quản, chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô” ở những khu vực trọng điểm cháy rừng của các xã, bố trí người dân trực canh gác 24/24h vào thời gian cao điểm khô hanh từ tháng 2 đến hết tháng 5 cũng như các thời điểm khác trong năm là cách tốt nhất để huy động sự vào cuộc trách nhiệm của mọi người dân, góp phần chung sức giữ màu xanh cho rừng.