Vũ Linh: Khi sắn... “thoái vị”
- Cập nhật: Thứ tư, 15/3/2017 | 7:56:20 AM
YBĐT - Trong không khí lao động sản xuất nhộn nhịp những ngày sau tết Nguyên đán, có một sự khác biệt lớn so với dịp này hàng năm là người dân Vũ Linh không còn lên đồi trồng sắn.
Sâu cây sắn việc trồng và chế biến gỗ là ngành nghề phát triển bền vững ở Vũ Linh.
|
Trở lại Vũ Linh những ngày sau tết Nguyên đán, không khí lao động sản xuất đã rất nhộn nhịp, người thì lên rừng, người ra hồ Thác Bà; thợ cả, thợ phụ hối hả trên công trình xây lắp nhà cửa, xưởng chế biến lâm sản, lắp ráp cơ khí… Có một sự khác biệt lớn so với dịp này hàng năm là người dân Vũ Linh không còn lên đồi trồng sắn. Đường về nhà máy đã vắng bóng những chiếc xe chở sắn nguyên liệu. Câu chuyện về sắn đã lùi vào quá khứ, bởi sau thời "hoàng kim” cây sắn không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, buộc phải nhường chỗ cho những cây trồng khác hiệu quả hơn.
Sau một hồi trầm ngâm, ông Lương Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND xã Vũ Linh bày tỏ: "Vũ Linh nhớ ơn cây sắn, vì nhờ nó mà bao gia đình xóa được đói, giảm được nghèo. Nhưng cái gì cũng có giai đoạn, có thời kỳ của nó. Sắn mất giá thì phải chia tay nó thôi! Bảo nhau sớm tìm cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế để không hụt hẫng”!
Vũ Linh được xác định là trung tâm của vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bộ sắn đứng chân ngay trên địa bàn xã. Bà con thôn trên, xóm dưới rất thiếu đất lúa và chưa có loại cây trồng chủ lực nên khi dự án trồng sắn cao sản được triển khai là hồ hởi theo ngay.
Sắn trồng ở khắp nơi, từ vườn bãi quanh nhà lan lên đồi, lên núi rồi vượt hồ ra đảo hồ, diện tích sắn toàn xã luôn ổn định ở mức 400 ha. Những năm đầu, nhờ thâm canh và đất còn tốt, mỗi héc - ta cho thu trên dưới 40 tấn củ; giá bán thời điểm cao nhất 1.800 đồng/kg.
Vậy là, nhà trồng 1 ha sắn cũng có thu năm bảy chục triệu; nhà có đất, có sức lao động trồng nhiều hơn thì thu được hàng trăm triệu. Không dừng lại ở đó, nhiều người dân Vũ Linh năng động mua ô tô làm dịch vụ thu gom, vận chuyển sắn cho nhà máy. Bã sắn được chế biến, ngâm ủ làm thức ăn cho lợn…
Mùa vụ thu hoạch, trung tâm xã Vũ Linh, nhất là khu vực cổng nhà máy chế biến sắn trở nên rất sôi động, kẹt xe là chuyện thường tình. Nhờ cây sắn, Vũ Linh tăng trưởng mạnh về kinh tế; số hộ xây được nhà, mua ô tô tăng rất nhanh; trung tâm xã đã mang bóng dáng của một thị trấn và là khu vực đông vui nhất, sầm uất nhất tuyến đường phía Đông hồ Thác Bà.
Chẳng ai phủ nhận những đóng góp của cây sắn đối với nền kinh tế địa phương, nhưng đúng như những nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã cảnh báo từ trước, sắn là cây trồng kém bền vững, khiến đất bạc màu rất nhanh, đầu ra cuối cùng là thị trường Trung Quốc nên thiếu ổn định.
Đất bạc màu nhanh là điều mà bà con cảm nhận được trước tiên; năng suất sắn bắt đầu giảm mạnh từ vụ thứ ba, đất có độ dốc càng cao thì tốc độ bạc màu càng nhanh, nên năng suất cứ giảm dần: 35 tấn/ha, xuống 30 rồi 20 và cuối cùng là 15 đến 17 tấn/ha. Đi kèm với năng suất giảm là giá bán sắn củ hạ theo từ 1.800 đồng/kg thời điểm năm 2013 đến vụ 2016 tụt xuống 820 đồng/kg.
"Với giá bán như hiện nay thì công nhổ còn chẳng đủ chứ chẳng nói gì đến chuyện thu lời!” - bà Tiến, thôn Ngòi Tu thốt lên. Rồi bà Tiến lại phân trần: "Phải trực tiếp trồng sắn mới thấy nó cơ cực biết nhường nào! Làm đất, bổ hố, bỏ phân, rồi sới cỏ, vun gốc...
Cũng may là không phải tưới tắm, thuốc thang, sâu bệnh gì nhưng khổ nhất phải là lúc đi thu hoạch. Đất thì chặt, nhổ tức ngực mới được khóm sắn, vác bao sắn 40 kg từ trên núi xuống đường, đi từ sáng đến quá trưa, bán được 32.000 đồng, đủ mua cân gạo với vài lạng cá mắm".
Cũng giống như nhà bà Tiến, ông Nông Văn Chương ở thôn Trại Máng cũng bỏ hơn 1 ha sắn không thu hoạch, bởi ông đã tính kỹ, tiền công thu hoạch, cước vận chuyển từ nương ra đến điểm thu gom cộng với tỷ lệ trừ đầu, trừ đuôi là hết nên bỏ cho đỡ nhọc. Gần 84 hộ trong thôn đều bỏ sắn trên đồi, nếu có lên thu về cũng chỉ đem nạo ra, trộn muối rồi đóng vào bao cho lên men, dùng làm thức ăn cho lợn.
Sắn mất giá, nông dân bỏ sắn, nhưng không hề có một "cú sốc” nào xảy ra đối với người dân Vũ Linh. Ông Lương Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND xã nhận định: nhà máy khó khăn, chỉ có số ít công nhân là người địa phương, họ sẽ tìm việc khác, bản thân họ mỗi năm chỉ làm việc trong nhà máy vài tháng nên sự biến động là không lớn.
Đối với người trồng sắn, đúng là cây sắn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trong một thời gian dài; diện tích sắn có thời điểm lên đến 400 ha.
Tuy nhiên, do năng suất giảm qua từng năm, nhất là giá sắn mỗi năm một xuống nên bà con đã giảm diện tích trồng. Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân chuyển đổi cây trồng từ nhiều năm qua, hạn chế tối đa tình trạng luân canh nhiều vụ trên một diện tích và không nên trồng sắn tại những thửa đất có độ dốc lớn.
Xã chưa khảo sát, nhưng chắc chắn một phần đáng kể diện tích sắn của năm 2016 là trồng xen với cây lâm nghiệp năm đầu để kết hợp chăm sóc cả hai thứ cây trên một diện tích. Đối với đầu ra cho diện tích sắn đã trồng, xã rất mong phía nhà máy điều chỉnh tăng giá thu mua giúp cho bà con không bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, vì quá khó khăn, giá không tăng, bà con thấy không có lời, không đem đi bán thì cũng không quá lo. Nông dân luôn sáng tạo, nên sắn nạo hoặc nghiền ra, trộn muối, đóng bao ni lông rồi đem vùi xuống đất để cả năm chẳng hư hỏng gì. Đây là nguồn thức ăn có giá trị, có thể hỗ trợ nhiều hộ chăn nuôi lợn khi giá lợn hơi tụt thê thảm mà giá thức ăn vẫn cao trong dịp vừa qua.
Chưa biết đến bao giờ thị trường tinh bột sắn khởi sắc trở lại để nhà máy chế biến sắn điều chỉnh giá thu mua sắn củ, từ đó thúc đẩy người dân Vũ Linh và nhiều vùng quê khác trồng và thâm canh tăng năng suất sắn. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì cũng chẳng sao. Rất nhiều nương sắn ngày nào ở Vũ Linh giờ đã được thay thế bằng keo lai, quế, bạch đàn mô và cả những trang trại cây ăn quả, cây tre măng…
Nông dân Vũ Linh sẽ nhớ tới cây sắn như một loại cây đã giúp họ vượt qua đói nghèo, xây được nhà cửa. Nhưng vì nó thiếu tính bền vững nên chia tay nó để làm bạn với những cây trồng phù hợp hơn.
Anh Hà Ngọc Quang - cán bộ tư pháp xã Vũ Linh chia sẻ: "Trên đồi cao là cây lâm nghiệp, thấp hơn là tre măng Bát độ, vườn nhà, đất tốt thì trồng cam, trồng bưởi. Đó là mô hình, là hướng đi mà người dân Vũ Linh sẽ làm. Cùng với cây trồng là chăn nuôi, chỉ có thế đời sống người dân Vũ Linh mới khá, kinh tế mới phát triển bền vững”.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi địa bàn trải rộng, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nằm rải rác, cách xa trung tâm. Bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, lực lượng quản lý thị trường mỏng, chưa được đào tạo bài bản, trong khi những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp.
YBĐT - Ngày 13 và 14/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
YBĐT - Công bố sáng 14/3 của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế cho thấy, tỉnh Yên Bái đã vượt lên xếp thứ 47/63 tỉnh, thành và tăng được 4 bậc so với 2015.
Bắt đầu từ tháng 3/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT chính thức thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên phạm vi cả nước. Những số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra sẽ cung cấp các thông tin để có thể chuẩn đoán chính xác “các bệnh của nền kinh tế”. Từ đó “kê những đơn thuốc” hiệu quả, giúp nền kinh tế lớn mạnh và phát triển.