Giá lợn hơi xuống thấp: Ngân hàng lo lắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2017 | 6:51:04 AM

YênBái - YBĐT - Giá lợn hơi tụt thê thảm, người nông dân không bán được lợn, các ngân hàng cũng lo lắng bởi những khoản vay đã và đang có nguy cơ chậm trả lãi, gốc và biến thành nợ xấu.

Các ngân hàng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn.
Các ngân hàng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang tìm cách “giải cứu” ngành chăn nuôi và đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chưa giải pháp nào phát huy hiệu quả. Người nông dân không bán được lợn, các ngân hàng cũng lo lắng bởi những khoản vay đã và đang có nguy cơ chậm trả lãi, gốc và biến thành nợ xấu.

Thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, tính đến nay Ngân hàng đang cho 1.030 khách hàng vay vốn chăn nuôi lợn, trong đó, chủ yếu thực hiện vay để làm chuồng trại (vay trung hạn) và cho vay chăn nuôi lợn thương phẩm (vay ngắn hạn). Dư nợ cho vay chăn nuôi lợn đến 20/4/2017 là 75,4 tỷ đồng, trong đó, dư nợ ngắn hạn là 29,5 tỷ đồng, trung hạn là 45,8 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, số hộ dân vay vốn để đầu tư chăn nuôi là 1.361 hộ, với tổng dư nợ 30,3 tỷ đồng. Từ những số liệu của hai ngân hàng kể trên cho thấy, tổng số tiền mà nông dân Yên Bái vay để đầu tư chăn nuôi đã lên đến trên 100 tỷ đồng (con số này chắc chắn sẽ còn lớn hơn vì nhiều khoản vay có tên gọi khác như chương trình cho vay hộ nghèo; phát triển kinh tế gia đình... đối tượng vay là nông hộ cũng đầu tư vào chăn nuôi).

Đánh giá của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Yên Bái cho thấy, đến nay, việc trả nợ của đa số khách hàng vay vốn tại ngân hàng này vẫn thực hiện đúng hạn, đầy đủ vì người dân vay chủ yếu là làm chuồng chăn nuôi là khoản vay trung hạn nên hiện tại chưa tác động rõ rệt đến các khoản nợ (do các khoản nợ chưa đến hạn).

Một số hộ chăn nuôi đã ký hợp đồng với các công ty liên kết như Công ty cổ phần CP, nên việc tiêu thụ lợn tương đối ổn định và chưa ảnh hưởng đến việc trả nợ và lãi; những hộ vay ngắn hạn để đầu tư chăn nuôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Thực tế, các khoản vay chăn nuôi lợn chủ yếu là khoản vay nhỏ với mức vay bình quân gần 70 triệu đồng/khách hàng. Trong điều kiện bình thường, nhất là khi giá lợn chưa xuống thấp, người dân chưa thua lỗ nặng thì  việc trả nợ cũng không gây áp lực lớn cho người vay.

Tuy nhiên, phần lớn người chăn nuôi đã kiệt quệ về kinh tế, vốn liếng đã đầu tư hết vào chuồng trại, con giống, chưa kể đến chuyện phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua cám cho lợn ăn nhằm “cầm cự” đợi bán được lợn trong suốt thời gian qua, giờ thì mấy chục triệu vay ngân hàng thực sự là món nợ rất lớn.

Ông N. ở huyện Trấn Yên cho biết: khi nhận khoản hỗ trợ đầu tư chăn nuôi lợn, bố con ông xây dựng chuồng trại và bắt đầu nuôi từ giữa năm 2016 với 20 lợn nái và 100 lợn thịt. Để có vốn mua giống (lợn nái 6 triệu/con, lợn thịt 1,5 triệu đồng trên con) gia đình ông đã bỏ ra cả trăm triệu đồng số tiền dành dụm nhiều năm trời và còn phải vay thêm 80 triệu từ ngân hàng. Lứa lợn đầu lớn rất nhanh nhưng gia đình ông kém vui vì giá bán hạ dần. Khi quyết định bán, giá lợn ở mức 28.000/kg, bình quân mỗi con lỗ mấy trăm nghìn.

Sau lứa lợn thịt, đàn nái sinh sản mạnh, lợn giống bán không hết, gia đình ông N. tiếp tục nuôi và đương nhiên là tiếp tục lỗ nặng. Giờ thì món nợ ngân hàng chưa biết nhìn vào đâu để trả, chưa kể khoản nợ tiền mua cám cũng trên 100 triệu đồng nữa.

Giống như gia đình ông N. ở Trấn Yên, đầu năm 2016 anh Đinh Văn Hội, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, mang sổ đỏ lên ngân hàng vay 330 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi và đương nhiên quyết định đầu tư của anh Hội đã thất bại. Trong khi đó, anh Hội vẫn phải mua thức ăn để duy trì đàn lợn, vẫn phải trả lãi ngân hàng, riêng khoản gốc hơn 300 triệu đồng nữa khó mà trả được đúng hạn.

Các cán bộ ngân hàng nhận định, giá lợn hơi tụt thê thảm sẽ còn tác động mạnh đến việc trả nợ của các khách hàng, bởi nhiều người vay vốn đầu tư cho chăn nuôi còn chưa đến kỳ, đến hạn trả nợ.

Bên cạnh đó, còn hàng nghìn khách hàng khác, chủ yếu là nông dân, không vay vốn để nuôi lợn nhưng vay tiền để chi dùng vào việc khác nhưng lấy nguồn thu nhập từ việc bán lợn để trả nợ hoặc đã phá sản vì đầu tư vào chăn nuôi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Vài trăm triệu, vài tỷ đồng gia tăng trong khoản nợ xấu của một vài ngân hàng trên địa bàn chắc chắn chỉ là tín hiệu ban đầu và nó sẽ còn gia tăng theo thời gian.

Từ những vấn đề nêu trên, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến thịt đông lạnh; khơi thông thị trường tiêu thụ; các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chia sẻ khó khăn với nông dân bằng việc giảm giá, bán chịu sản phẩm...

Các ngân hàng cũng cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua chính sách tín dụng như: hoãn trả nợ, giảm hoặc miễn lãi; chung tay chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là người chăn nuôi lợn phải được xem là giải pháp kinh doanh bền vững của các ngân hàng.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị mới Golden House, thuộc địa giới hành chính phường Yên Ninh, phường Đồng Tâm và xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái với diện tích quy hoạch khoảng 87,87 ha; quy mô dân số dự kiến là 6.500 người.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Công văn số 3609/BNN-CN về việc chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.

Kỹ sư giám sát công trình kiểm tra thân trụ cầu.

YBĐT - Cầu bê tông cốt thép tại lý trình Km3+749 nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được xây dựng tại khu vực Bến Đình (đầm Vân Hội) thuộc thôn 5, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư.

YBĐT - Trung tâm Tư vấn hỗ trợ thành viên thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái được thành lập từ năm 1997 với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp thành viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, đào tạo nghề cho xã viên, người lao động trong các HTX và doanh nghiệp thành viên; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục