Y Can khai thác tốt lợi thế phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/5/2017 | 7:59:06 AM
YBĐT - Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của địa phương, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Y Can đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Vườn bưởi Diễn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ của bà Nguyễn Thị Ngụy, thôn Tự Do, xã Y Can.
|
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế; tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chỉ đạo nhân dân tích cực thâm canh, tăng vụ, đưa các loại giống mới, có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng nên năng suất không ngừng tăng lên.
Hiện tại, diện tích cây lương thực có hạt của xã có trên 341 ha, sản lượng đạt 1.603 tấn/năm và không những đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ mà còn bán ra thị trường. Xã còn chú trọng phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm…
Đồng thời, tổ chức triển khai, thực hiện tốt các chính sách vốn vay, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với tổng kinh phí trên 672 triệu đồng. Hiện tại, xã đã thành lập được 1 tổ hợp tác chăn nuôi do các hộ liên kết, hợp tác với nhau để hỗ trợ nhau về vốn vay và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trên địa bàn hiện đã có 16 cơ sở phát triển chăn nuôi lợn, gà, vịt theo quy mô hàng hóa. Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của địa phương, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Y Can đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Trong xã đã xuất hiện nhiều điển hình vượt khó, sáng tạo phát triển kinh tế như hộ ông Hoàng Trọng Đại ở thôn Bình Minh chuyển 8 sào đất soi bãi gần bờ sông sang trồng dâu nuôi tằm và mỗi năm nuôi được 26 vòng tằm, thu 650 kg kén bán với giá 100.000 đồng/kg. Từ trồng dâu nuôi tằm, ông Đại có nguồn thu nhập 60 triệu đến 70 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Trọng Đại chia sẻ: “Nghề nuôi tằm tuy vất vả nhưng mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô. Nhờ đó, gia đình tôi đã xây được nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và có điều kiện cho các con học hành chu đáo”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngụy ở thôn Tự Do chọn hướng phát triển kinh tế bằng mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng. Sau khi trồng thử nghiệm 20 cây bưởi Diễn, thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà đã mở rộng diện tích và vay vốn mua thêm cây giống về trồng. Sau nhiều năm phát triển, gia đình bà đã có trên 200 gốc bưởi Diễn, thu hoạch hàng năm đạt gần 100 triệu đồng/vụ.
Bên cạnh đó, bà còn trồng 100 gốc táo ngọt, thu hoạch đạt 40 triệu đồng/vụ. Không những thế, tận dụng các khe núi, bà Ngụy còn đào ao thả các loại cá: trắm cỏ, chép, mè, rô phi… mỗi năm thu về trên dưới 10 triệu đồng. Gần đây, bà tiếp tục nuôi lợn rừng lai và hiện có 2 lợn mẹ, 9 lợn con. Ngoài ra, bà Ngụy còn chăn nuôi gà thả vườn để tạo nguồn thực phẩm.
Bà phấn khởi cho biết: “Nhờ tích cực phát triển cây ăn quả, chăn nuôi mà thu nhập của gia đình tôi ngày càng tăng, cuộc sống khá dần lên”.
Ông Đại, bà Ngụy chỉ là 2 trong số rất nhiều điển hình phát triển kinh tế gia đình ở Y Can. Việc phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Y Can hiện nay đã trở thành phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân”.
Chí Linh
Các tin khác
YBĐT - Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng; ký cam kết về an toàn lửa rừng, không mua bán, săn bắn, khai thác các động vật, thực vật rừng đối với các hộ dân sống gần rừng.
YBĐT - Văn Chấn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh, có diện tích tự nhiên 120.737 ha, trên 70% diện tích tự nhiên là rừng núi, độ dốc cao, khe suối sâu, địa hình chia cắt phức tạp dẫn đến nhiều điểm có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, lốc xoáy, sét đánh...
Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu do Liên minh nghị viện thế giới (IPU) phối hợp Quốc hội Việt Nam tổ chức khai mạc sáng 11-5, tại TP.HCM.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ rà soát lại toàn bộ hệ thống ATM của mình, đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM theo đúng quy định.