Mù Cang Chải tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Cập nhật: Thứ hai, 3/7/2017 | 10:43:41 AM
YBĐT - Vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện đã đưa vào gieo trồng 500 ha cải dầu, 20 ha lúa mì và 14 ha khoai tây.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng 4.400 ha đất ruộng, song đến nay mới có khoảng 1.600 ha đưa vào sản xuất lúa xuân, diện tích còn lại do mùa đông lạnh giá kèm khô hạn nên thường bỏ hoang. Trước thực trạng trên, vài năm trở lại đây, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào thử nghiệm, gieo cấy những cây trồng mới, năng suất, chất lượng cao.
Theo đó, vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện đã đưa vào gieo trồng 500 ha cải dầu, 20 ha lúa mì và 14 ha khoai tây. Do đây đều là những cây trồng mới, nên công tác chỉ đạo, triển khai được huyện tiến hành cụ thể, sát sao.
Ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các xã tiến hành khảo sát địa điểm, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất và hướng dẫn nhân dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu với huyện hướng giải quyết, khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, huyện tiến hành làm việc với các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Thịnh Đạt, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế An Việt, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Tấn Phát về việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cải dầu, lúa mì và khoai tây cho nhân dân khi thu hoạch. Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, sát sao, các cây trồng mới trong vụ đông xuân 2016 - 2017 đã đạt những kết quả khả quan.
Theo ông Lương Văn Thư - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải: kết quả theo dõi bước đầu cho thấy, cây lúa mì, khoai tây và cải dầu cơ bản phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và đất đai ở địa phương. Cụ thể, đối với lúa mì, tổng diện tích gieo trồng được 20/20 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó diện tích tốt 3 ha, trung bình 3 ha, xấu 14 ha; năng suất trung bình đạt 29 tạ/ha.
Đối với cây cải dầu, tổng diện tích gieo trồng 424,7/500 ha, đạt 84,94% kế hoạch, trong đó diện tích tốt 63,5 ha, trung bình 140 ha, xấu 161,6 ha, diện tích không cho thu hoạch 59,6 ha; năng suất trung bình đạt 14,15 tạ/ha.
Đối với cây khoai tây, tổng diện tích gieo trồng 14/14 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó diện tích tốt 2 ha, trung bình 6 ha, xấu 6 ha; năng suất trung bình đạt 10,14 tấn/ha. Đặc biệt, đối với cây cải dầu, ngoài năng suất cho thu hoạch còn tạo cảnh quan phục vụ cho mục đích du lịch. Trong mùa hoa cải nở (tháng 2/2017), mỗi ngày thu hút từ 300 - 500 lượt khách du lịch đến tham quan, giúp người dân tăng thêm thu nhập từ thu tiền chụp ảnh.
Có thể khẳng định, việc gieo trồng lúa mì, cải dầu, khoai tây trên diện tích ruộng 1 vụ bước đầu đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và nâng cao hệ số sử dụng đất. Quan trọng hơn, việc gieo trồng các cây trồng mới bước đầu đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua việc triển khai thực hiện các cây trồng mới trong vụ đông xuân 2016 - 2017, đã bước đầu xác định được vùng phù hợp để phát triển, mở rộng diện tích các cây trồng mới.
Theo tính toán, hiệu quả kinh tế từ cây lúa mì đạt từ 24 - 25 triệu đồng/ha, cây cải dầu đạt từ 30 - 45 triệu đồng/ha và cây khoai tây từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thực tế qua triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn như: diện tích cải dầu trồng không đạt kế hoạch; nhiều diện tích trồng không được chăm sóc nên sinh trưởng, phát triển kém, cho năng suất thấp và một số diện tích không cho thu hoạch.
Cụ thể, 66,3 ha cải dầu không cho thu hoạch, diện tích xấu trên 157 ha, năng suất cho thu chỉ từ 4 - 8 tạ/ha; lúa mì 15 ha xấu, năng suất chỉ đạt 2 - 8 tạ/ha; khoai tây có 8 ha xấu, năng suất 4 - 8 tấn/ha.
Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được thực hiện nghiêm túc; nhiều hộ dân không đem sản phẩm bán cho công ty; nhân dân chưa chú trọng thu hoạch cải dầu và còn để cải chín rũ trên ruộng mới thu hoạch; khi thu hoạch không phơi trên bạt theo hướng dẫn mà phơi ngay trên gốc cải, dẫn đến rơi vãi nhiều; nhiều diện tích sản xuất chưa tập trung, còn nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến chim chuột phá hoại nhiều làm giảm năng suất khi thu hoạch...
Từ những khó khăn, tồn tại trên, thời gian tới, huyện Mù Cang Chải bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng; nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển giao khoa học, kỹ thuật...
Cùng những giải pháp trên, về lâu dài, huyện cần lựa chọn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liền khu, liền khoảnh, tránh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để thuận tiện trong chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cũng như bảo vệ sản xuất hạn chế chim, chuột phá hoại; thành lập những tổ hợp tác liên kết sản xuất để thuận tiện trong chỉ đạo và tạo ra sản phẩm mang tính chất hàng hoá. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình khảo nghiệm để đánh giá, xác định vùng sản xuất, khung lịch thời vụ và xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn cho từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện; thực hiện tốt hơn nữa khâu liên kết sản xuất đến bao tiêu sản phẩm...
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống người dân.
YBĐT - Mặc dù kinh tế trong nước, quốc tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách của các cơ quan, ban, ngành, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 vẫn được duy trì và tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã gieo ươm trên 1,9 triệu cây giống sơn tra để phục vụ trồng 600 ha rừng sản xuất năm 2017.
Một loạt "đại gia" ngành chăn nuôi đang lên kế hoạch chuẩn hóa chất lượng đàn nuôi với tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà.