Mô hình trồng rau an toàn ở xã Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/9/2017 | 1:46:09 PM

YBĐT - Với mục đích chuyển đổi những chân ruộng kém hiệu quả, vườn tạp sang phát triển một số loại rau theo mô hình rau an toàn để nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2014, xã Yên Bình, huyện Yên Bình tập trung vận động nhân dân thôn Bỗng làm thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn để tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. 

Ông Vũ Quốc Trung chăm sóc vườn dưa của gia đình.
Ông Vũ Quốc Trung chăm sóc vườn dưa của gia đình.

Gia đình bà Vũ Thị Hòa ở thôn Bỗng có hơn 5 sào ruộng, trong đó có 3 sào thường xuyên thiếu nước sản xuất. Nguyên nhân là do ruộng của bà cao hơn mương nội đồng, nên những diện tích này được chuyển sang trồng ngô. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ được 2 vụ, bình quân mỗi sào khoảng 4 tạ ngô và nếu năm nào được giá cũng chỉ thu được trên 4 triệu đồng/sào. Sau khi xã vận động, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau và bình quân mỗi năm được 4 vụ.
 
Nhờ áp dụng đúng theo quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt: phân bón phải là phân hữu cơ; nước tưới dùng nước sạch và tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật; thu hái, bảo quản cũng được gia đình bà tuân thủ đúng theo hướng dẫn. Lúc đầu, để bán được sản phẩm, bà Hòa phải lân la ra các chợ đầu mối và dựng một lều nhỏ ven quốc lộ để bán rau. Dần dần, người tiêu dùng đã quen, tin tưởng sản phẩm và người tìm đến mua rau của bà ngày một nhiều hơn, không phải đem ra các chợ đầu mối. Có nhiều người còn gọi điện nhờ bà mang đến tận nhà.
 
Bà Hòa cho biết: "Lúc đầu cán bộ xã đến vận động, tuyên truyền, tôi không tin là trồng rau sẽ hiệu quả vì đồng đất này bao đời nay chủ yếu vẫn làm ngô, lúa là chính. Còn rau an toàn cũng đã nhiều nơi làm mà có thành công đâu! Đem ra chợ ai biết đâu là rau an toàn. Nhưng thấy cán bộ nhiệt tình quá, nên gia đình tôi làm thử xem thế nào. Đúng là hiện nay người tiêu dùng đã có nhận thức khác. Muốn họ tin tưởng thì mình phải làm đúng, có như vậy mới làm lâu dài được. Theo hình thức gối vụ, mùa nào thức đó, hết lứa rau này tôi trồng lứa khác, thu nhập cao hơn ngô là chắc chắn”.

Gia đình ông Vũ Quốc Trung cùng ở thôn Bỗng cũng vậy. Mặc dù diện tích đất rộng, song mỗi chỗ một loại cây nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, ông mạnh dạn phá bỏ hơn 2 sào vườn tạp để đầu tư trồng rau an toàn và hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Ông Trung cho biết: "Muốn người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm của mình thì nhất quyết phải tuân thủ nghiêm ngặt, đúng quy trình, nếu mình gian dối sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay ngay. Sản xuất rau an toàn không phải đơn giản, song nếu mình tâm huyết thì không có gì là khó bởi vấn đề rau xanh luôn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình”.
 
Với quan điểm ấy, giờ đây 2 sào vườn của gia đình ông Trung mùa nào thức ấy. Không chỉ người dân trong xã, mà nhiều người xã khác, khách đi qua cũng mua rau của ông. Từ 6 hộ tham gia trồng thử nghiệm, đến nay cả thôn Bỗng đã có gần trăm hộ tham gia với diện tích hơn 2 ha. Nhờ trồng rau theo phương pháp này mà nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định.

Ông Vũ Quốc Toàn - Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: "Từ thành công bước đầu của mô hình này, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn trong xã. Bên cạnh đó, để tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chúng tôi đã đề nghị các hộ thành lập nhóm hộ sản xuất để hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm cũng như việc bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống trường học trên địa bàn xã tiêu thụ rau cho các nhóm hộ để vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa tạo đầu ra ổn định cho người trồng rau. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân trong xã tiêu thụ sản phẩm rau cho bà con. Chúng tôi cũng sẽ tạo mối liên kết với các cơ sở mua bán rau, nhà hàng trong và ngoài địa phương để khi sản xuất rau với lượng lớn thì người dân vẫn yên tâm có đầu ra ổn định”.

Có thể nói, việc sản xuất rau an toàn ở xã Yên Bình đã cho hiệu quả thiết thực. Ngoài việc tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống thì mô hình này còn giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm mới có tư duy khoa học hơn.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, kinh tế hộ đã và đang ngày một phát triển mạnh mẽ, các trang trại, mô hình sản xuất mới ngày một nhiều, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn.

Toàn cảnh cầu Bách Lẫm đang thi công.

YBĐT - Những âm thanh của máy xúc, máy trộn bê tông, máy đầm lèn, ô tô... Trên các công trường thi công các công trình trọng điểm của tỉnh, ở đâu cũng không khí thi đua sôi nổi.

 

Lễ ký cam kết thực hiện mô hình giữa Đảng ủy Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn với các chi bộ trực thuộc và các đoàn thể.

YBĐt - Ngày 31/8, Thực hiện Kế hoạch số 43 ngày 12/4/2017 của Tỉnh ủy Yên Bái về xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh tổ chức Lễ ra mắt mô hình "Thi đua an toàn – tiết kiệm trong sản xuất và kinh doanh” tại Đảng bộ Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

Lãnh đạo huyện Lục Yên trao đổi với người dân xã Khánh Hòa về phát triển kinh tế.

YBĐT - Đảng bộ xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên hiện có 171 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ. Với đặc thù là xã thuần nông, để lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay và ứng dụng được tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất; trong đó, coi trọng tính phù hợp với điều kiện của từng thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục