Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) là một điển hình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế. Từ một vùng quê còn nhiều khó khăn, người dân chỉ quen với cây chè, nhưng nay nơi đây trở nên trù phú nhất, nhì trong tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm, trong đó có nhiều mô hình cải tạo vườn tạp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Trần Bá Đức ở tổ 6A thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là một điển hình như thế. Cũng như bao gia đình nông thôn miền núi khác, xung quanh nhà là vườn, là ruộng nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức nên thường bỏ hoang hoặc trồng một số cây ăn quả, trồng vài luống rau, nuôi vài con gà phục vụ một phần nhu cầu gia đình.
Vốn là một hộ nghèo, sau khi thị trấn phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao, ông Đức đã cùng vợ con phát cỏ, cuốc vườn cùng với nguồn vốn vay ngân hàng về trồng 350 gốc thanh long ruột đỏ, vài chục gốc chanh đào.
Nhờ giống tốt, trồng và chăm sóc bài bản nên thanh long, chanh đào... sau ba năm đã đơm hoa kết trái và cho thu nhập khá cao. Năm 2016, gia đình ông đã thu gần 400 triệu đồng, trong đó tiền bán thanh long là 270 triệu đồng.
Từ một gia đình nghèo, sau 5 năm cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, gia đình ông Đức không chỉ thoát nghèo, trả hết nợ vay ngân hàng mà còn trở thành hộ giàu có ở thị trấn.
Cũng như thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, vốn là một xã thuần nông nhưng vài năm trở lại đây, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn đã xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, vùng rau màu hàng hóa. Đặc biệt là phong trào cải tạo vườn tạp thành những vườn cây ăn quả cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Cùng cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp của xã đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cộng ở thôn Bản Chanh. Ông Cộng cho biết: "Gia đình tôi có 1.200 m2 vườn, nhưng trước đây chỉ trồng vài luống rau. Còn lại là trồng đủ các loại cây: táo, xoài, na... và rau gì cũng có, quả gì cũng có, nhưng cuối cùng chẳng có nguồn thu từ cây gì”.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã phá bỏ vườn tạp và trồng 42 gốc bưởi Diễn. Sau 3 năm đầu tư đến nay, cây đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù là một loại cây trồng mới, nhưng được sự đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật và cây cũng khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên năm 2015 bưởi Diễn đã cho quả, thu 50 triệu đồng.
Năm 2016, cả 42 gốc bưởi ra quả rất sai, bình quân mỗi gốc cho thu từ 90 - 120 quả. Nhờ chất lượng ngon, quả to, mọng nước, ăn ngọt thanh nên được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá 20.000 đồng/quả.
Từ một mảnh vườn tạp, nhờ đầu tư phát triển cây bưởi Diễn, gia đình ông Cộng đã có nguồn thu trên 120 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, ông đang tiếp tục đầu tư trồng thêm 100 gốc bưởi Diễn ở bãi đất ven suối. Hiện, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năm 2017, nguồn thu từ bưởi Diễn đạt trên 250 triệu đồng.
Rõ ràng, việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ phát triển mạnh, nhiều hộ đầu tư, cải tạo vườn tạp, vườn đồi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính những mảnh vườn tạp quanh nhà.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại nói chung, kinh tế vườn đồi vẫn còn manh mún, phân tán. Nhiều hộ nông dân ở các vùng quê có vườn tạp, vườn đồi rộng lớn có khả năng phát triển nhưng vẫn bỏ hoang hóa, thiếu áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giống cây trồng hạn chế, năng suất, chất lượng chưa cao, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Mô hình cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Trần Bá Đức ở tổ 6A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ hay gia đình ông Nguyễn Văn Cộng ở thôn Bản Chanh, xã Phù Nham là hướng đi cho các hộ nông thôn có vườn đồi rộng mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp tại các vùng quê, vùng đồng bào dân tộc bằng cây ăn quả, cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho bà con học tập và làm theo. Cùng với đó, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật giúp các hộ dân cải tạo vườn tạp, vườn đồi trở thành vườn kinh tế mang lại thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo, làm giàu.
Thanh Phúc