Niềm vui trên những đồi cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/3/2018 | 2:01:33 PM

YBĐT - Huyện Lục Yên hiện có trên 500 ha cam được trồng ở 18/24 xã, chủ yếu là cam sành và cam Vinh.

Vườn cam của anh Nguyễn Đức Huy ở thôn 5, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sai trĩu quả.
Vườn cam của anh Nguyễn Đức Huy ở thôn 5, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sai trĩu quả.


Cũng như bao hộ trồng cam, vào thời điểm cuối năm là anh Nguyễn Đức Huy, ở thôn 5, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên lại bận rộn cả ngày trên đồi để cắt cam, vận chuyển cam phục vụ nhu cầu của thị trường. Năm qua, là một năm được mùa cam. Với trên 3 ha cam, quýt, anh Huy thu gần 40 tấn quả, giá bán buôn dao động từ 7 - 8.000 đồng/kg và anh đã thu về gần 300 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng.

Anh Huy tâm sự: "Sản lượng cam vụ vừa rồi của gia đình tôi ước tính tăng gấp 3 so với năm trước, vì những diện tích cây non cũng bắt đầu cho thu hoạch. Càng gần tết, việc tiêu thụ cam càng dễ dàng hơn và mỗi ngày có thể bán ra 1 đến 2 tấn cam thu về từ 15 đến 20 triệu đồng”.

Anh Tạ Quốc Bảo ở thôn 8 cùng xã Khánh Hòa cũng là một trong những người đi đầu trong xã về việc phát triển kinh tế từ cây cam. Hiện, anh Bảo có trên 3 ha cam. Do diện tích được trồng từ lâu, nên những năm gần đây cam cho sản lượng cao và tổng sản lượng mỗi năm gần 60 tấn, anh Bảo thu lãi trên 500 triệu đồng. Đầu xuân này, đồi cam nhà anh Bảo lại trắng muốt những chùm hoa và lại hứa hẹn một mùa cam bội thu.

Ở thôn 8 còn có gia đình anh Trịnh Văn Hưng cũng có trên 3 ha cam sành, trong đó có 2,5 ha đang cho thu hoạch và trừ mọi chí phí, hàng năm cho thu lãi trên dưới 600 triệu đồng; những năm được mùa được giá thì lãi gần 1 tỷ đồng. Nhờ áp dụng đúng khoa học, kỹ thuật, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP; do vậy, chất lượng, giá trị cam nhà anh Hưng ngày càng được nâng cao, được nhiều người biết đến và ngay từ khi quả cam còn xanh đã có rất nhiều thương lái đến đặt mua cả vườn.

Xã Khánh Hòa là địa phương có diện tích cây cam lớn nhất huyện Lục Yên. Hiện, toàn xã có gần 190 ha cam; trong đó, trên 100 ha đang cho thu hoạch. Sau 4 năm trồng, bình quân mỗi héc - ta cam đem về nguồn thu từ 150 đến 200 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế đem lại, nhiều hộ dân ở xã Khánh Hòa đã chủ động chuyển đổi những diện tích nương đồi, ruộng kém hiệu quả sang trồng cây cam. Trong năm 2016 và  2017, toàn xã đã trồng mới 60 ha.

Ông Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết "Thời gian tới, UBND xã Khánh Hòa vẫn luôn xác định cây cam là cây chủ lực để người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng cam; đồng thời, mong muốn các ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật cũng như hỗ trợ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam”.

Huyện Lục Yên hiện có trên 500 ha cam được trồng ở 18/24 xã, chủ yếu là cam sành và cam Vinh và hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam các loại. Những năm qua, cam Lục Yên đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến bởi vị ngọt, thơm mang hương vị đặc trưng của cam ở vùng đất này. Để cây cam Lục Yên được nâng cao hơn nữa về chất lượng, huyện Lục Yên đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, đặt ra mục tiêu phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, trọng tâm là cây cam và phấn đấu đến năm 2020, diện tích cam trên toàn huyện đạt gần 900 ha.
 
Huyện đã thành lập Hợp tác xã Cam Lục Yên; hỗ trợ nông dân vay vốn; đầu tư vườn ươm giống tại địa phương; tích cực đưa những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh, áp dụng thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP để cho ra sản phẩm nông nghiệp sạch; cử cán bộ khuyến nông sâu sát với cơ sở, gắn bó, gần gũi với nhân dân theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây cam; tuyên truyền người dân mạnh dạn chuyển đổi từ quỹ đất, giống cây trồng không hiệu quả để tăng diện tích, tăng sản lượng, chất lượng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân từ cây cam. Cuối năm 2016, nhãn hiệu tập thể cam Lục Yên được công nhận và đã trở thành động lực để người dân huyện Lục Yên tiếp tục đầu tư thâm canh, đa dạng các mặt hàng cam phục vụ thị trường.
Duy Khánh

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, hoạt động sản xuất thủy điện luôn có đóng góp lớn vào ngân sách của huyện Văn Chấn. Năm 2017, các đơn vị sản xuất thủy điện trên địa bàn huyện đã nộp ngân sách Nhà nước trên 80 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện.

Thu phí tự động sẽ minh bạch được việc các phương tiện trả phí và thời gian thu của nhà đầu tư BOT.

Cuối năm 2018, khoảng hơn 3 triệu phương tiện ôtô sẽ được dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) để đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động.

Ảnh minh họa: Internet

Trong quý I-2018, không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc thẩm quyền HĐND, UBND tỉnh, thành phố quản lý (dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, giáo dục, dịch vụ vệ sinh môi trường, trông giữ xe, tham quan du lịch, lưu trú buồng phòng, thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại...).

Bộ phận “một cửa” Chi cục Thuế thành phố Yên Bái tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

YBĐT - Hàng tỷ đồng tiền thuế được thu hồi, nộp vào ngân sách Nhà nước là kết quả mà Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đạt được qua thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2017. Đến hết năm 2017, Chi cục đã thực hiện kiểm tra 94 doanh nghiệp, đạt 109% kế hoạch Cục Thuế giao. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục