Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng là một trong những địa phương thường xuyên chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai cực đoan, bất thường.
Không có năm nào mà Yên Bái không phải gánh chịu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Do vậy, chúng ta cần phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân để làm tốt hơn nữa công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, lấy phương châm phòng ngừa là chính.
Những năm gần đây, tình hình thiên tai tại Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường là mối lo lớn của chính quyền và nhân dân trong mỗi mùa bão lũ.
Bình quân mỗi năm, thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất trên 1,5% GDP và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương miền núi có xu hướng gia tăng. Yên Bái không phải tỉnh nằm trong mắt bão hay tâm bão thế nhưng hay phải hứng chịu hoàn lưu bão, lốc tố.
Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 đợt thiên tai, làm thiệt hại trên 8.000 ngôi nhà, 1.600 ha lúa, gần 1.000 ha hoa màu, gây hư hại nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học và các thiết chế văn hóa, thiệt hại về kinh tế gần 300 tỷ đồng.
Năm 2017, thiên tai bão lũ xảy ra trên địa bàn Yên Bái nhiều hơn, cường độ mạnh hơn. Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2017, trên địa bàn xảy ra 21 đợt thiên tai, tăng 7 đợt so với năm 2016. 8/9 huyện, thị bị ảnh hưởng nặng nề.
Thiên tai làm 37 người chết, 16 người mất tích, 33 người bị thương; gần 4.000 ngôi nhà bị hại, trên 2.346 ha lúa và trên 1.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học... tổng giá trị thiệt hại trên 1.850 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, môi trường bị hủy hoại, ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân, tác động mạnh đến sự phát triển của tỉnh. Huyện Mù Cang Chải là địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, mặc dù đã có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, sự đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước nhưng đến hôm nay vẫn còn tàn dư của thiên tai.
Yên Bái là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là sự chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn của người dân và của cả hệ thống chính trị nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Trước những diễn biến bất thường của thiên tai nhưng nhờ công tác thông tin kịp thời, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, chính xác đã hạn chế tối đa thiệt hại trong các mùa mưa bão.
Rõ ràng, hậu quả thiên tai, bão lũ để lại quá nặng nề không dễ một sớm, một chiều khắc phục được. Vẫn biết thiên tai luôn thất thường nhưng chúng ta có thể phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người và của. PCTT hiệu quả là một nhân tố bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Yên Bái đã và đang khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT theo Luật PCTT. Đã xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN giai đoạn 2018 – 2020. Thường xuyên, liên tục rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT-TKCN phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.
Xây dựng các phương án ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn theo cấp độ rủi ro thiên tai. Thu và quản lý sử dụng Quỹ PCTT đúng mục đích, đúng quy định và hiệu quả. Kiểm tra đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công các công trình trên địa bàn vượt trước lũ tiểu mãn. Bảo dưỡng, xây dựng các trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, nhất là các trạm quan trắc phục vụ, vận hành các hồ chứa, trạm đo mưa, trạm cảnh báo lũ quét...
Triển khai lồng ghép công tác PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra. Rà soát quy hoạch, chuyển đổi sản xuất phù hợp với từng vùng, giảm thiểu thấp nhất tác động của thiên tai.
Trong mùa mưa bão tổ chức ứng trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành và địa phương; thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương.
Chú trọng công tác huấn luyện nâng cao thực hành TKCN, kỹ năng vận hành trang thiết bị phục vụ TKCN cho lực lượng tại chỗ. Đặc biệt, các địa phương rà soát, chủ động di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, xây dựng phương án sơ tán bảo đảm an toàn các hộ dân chưa có điều kiện di dời.
Nâng cao ý thức trong cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai.
Ngọc Trúc