Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là một trong số các địa phương có diện tích chè lớn nhất nhì của huyện Văn Chấn. Theo báo cáo diện tích chè của thị trấn là 533ha, trong đó 495ha là chè kinh doanh.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, chè được thu hái sớm, năng suất đạt khá, sản lượng khoảng 700 tấn chè búp tươi trong niên vụ này, giá cả tương đối ổn định ở mức 3.500 đồng - 4.000 đồng/kg chè búp tươi nên gần 1.300 hộ dân làm chè của địa phương đã có thu nhập ổn định.
Xác định chè là cây trồng chủ lực nên trong những năm qua, thị trấn đã vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh chè, thay thế dần những diện tích chè trung du già cỗi năng suất thấp bằng giống chè lai, chè cành năng suất, chất lượng cao, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất kinh doanh.
Trong số 533ha chè của thị trấn thì diện tích cải tạo trồng mới đến nay đã chiếm tới trên 95%, cùng với đó các nhóm hộ sản xuất chè theo quy trình VietGAP cũng đã góp phần nâng cao chất lượng chè.
Chỉ về những nương chè đang tua tủa búp, ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: "Tất cả những diện tích đó đã được thay thế bằng chè lai, chè cành, thực hiện quy trình VietGAP đầu tư cho người dân hệ thống đường, hỗ trợ mua máy móc và tập huấn kỹ thuật nên người làm chè có thêm kiến thức để sản xuất chè theo đúng tiêu chuẩn chè sạch. Mặc dù các hộ có diện tích chè không nhiều, chỉ 1 - 3ha song nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình nên số hộ khá giả từ cây chè chiếm tới trên 70% số hộ dân trong toàn thị trấn”.
Gia đình chị Nguyễn Thu Hường, tổ 5A là một minh chứng như vậy. Chỉ có hơn 1ha song năm 2014 gia đình chị đã cải tạo toàn bộ diện tích chè trung du bằng giống chè lai, đầu tư phân bón, chăm sóc tốt nên chỉ sau 3 năm chè đã cho thu hái, từ 40 tấn/năm đã tăng lên gần 45 tấn/năm/ha, lứa đầu năm nay qua thu hái cũng được trên 12 tấn.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Luật, tổ 5A cũng nhờ đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt nên hơn 1,3ha diện tích chè lai đã cho hiệu quả rõ rệt. Vụ đầu năm nay, thời tiết thuận lợi, qua thu hái bình quân mỗi héc ta chè của gia đình ông đạt năng suất 12 tấn/lứa.
Cũng như thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, mặc dù diện tích chè của xã Sơn Thịnh chỉ có hơn 340ha song nhờ tập trung thâm canh, cải tạo giống chè trung du năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè lai, chè cành năng suất, chất lượng cao mà đời sống người làm chè đã khá lên trông thấy.
Dẫn chúng tôi tới thôn Thác Hoa 3, thôn có diện tích chè tương đối lớn với gần 100ha, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Gia Thuần cho biết, nếu nói về năng suất có lẽ trong 13/16 thôn bản có chè thì Thác Hoa 3 vẫn là nơi chè cho năng suất cao nhất. Trước đây toàn bộ diện tích chè của địa phương đều thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ nhưng khi giao khoán cho nhân dân, việc đầu tư chăm sóc, cải tạo thay thế bằng giống chè lai, chè cành đã cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn, cây chè đã thực sự đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình.
"Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây chè như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương, chị Trần Thị Yên, ông Nguyễn Đức Hiển, chị Vũ Thị Hoan… với mức thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm” - Phó chủ tịch UBND xã Thuần thông tin.
Huyện Văn Chấn có gần 4.700ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh gần 4.200ha, chè kiến thiết cơ bản 500ha. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm sản lượng đạt 45.000 tấn chè búp tươi và 12.000 tấn chè khô, doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 150 tỷ đồng.
Lấy cải tạo chất lượng búp đáp ứng chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu chè, những năm qua, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao. Bình quân mỗi năm, Văn Chấn trồng cải tạo từ 100 - 300ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội và chè Shan tuyết.
Nhờ vậy, đến nay cơ bản giống chè trung du đã được cải tạo thay thế bằng giống chè lai giâm cành LDP1, LDP2, góp phần nâng cao năng suất chè bình quân đạt từ 8 - 10 tấn/ha, đưa sản lượng chè lứa đầu vụ xuân 2018 lên 5.000 tấn chè búp tươi, tăng khoảng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện tại huyện Văn Chấn tập trung phát triển giống chè Shan hạt và chè Shan giâm cành cho các xã vùng cao, vùng thượng huyện theo Đề án phát triển chè vùng cao của tỉnh. Mỗi năm huyện thực hiện trồng mới khoảng 80ha là giống chè Shan hạt và chè Shan giâm cành tại các xã vùng cao và thượng huyện. Nhờ đó, đến nay diện tích chè Shan hạt và Shan giâm cành đã được trồng mới hơn 121ha để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè.
Cùng với đó, huyện tiếp tục vận động bà con nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi, góp phần nâng cao dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Huyện chỉ đạo các đơn vị thu mua phải bảo đảm ổn định giá, tránh việc tranh mua tranh bán gây hỗn loạn giá cả vùng nguyên liệu.
Huyện cũng có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè.
Thanh Tân