Đồng chí Nguyễn Văn Xa - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Với địa hình 100% là đồi núi độ dốc lớn, vách đứng xen kẽ các khe suối nhỏ nên khi mùa mưa đến tạo thành thác lớn chảy tập trung về các con suối lớn nhỏ. Hệ thống đường giao thông là đường độc đạo, chật hẹp nên khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện; tập quán canh tác nương rẫy của đồng bào, các khu dân cư sống biệt lập ở các sườn đồi, khe suối tiềm ẩn những nguy cơ do thiên tai gây ra là rất cao; trang thiết bị phòng chống thiên tai (PCTT) còn thô sơ, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế”.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT - Tìm kiêm cứu nạn (TKCN) của huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các công văn và phương án phòng chống thiên tai; chủ động tuyên truyền cho người dân không lơ là, mất cảnh giác trước những biến đổi cực đoan của thời tiết, đặc biệt là người dân sống ở các sườn núi, khe suối”.
Ngay đầu mùa mưa 2018, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã lên các phương án, kế hoạch trọng điểm khi có các tình huống xấu có thể xảy ra. Trong đó, đưa ra các tình huống giả định như: vùng ngập lụt một phần khu dân cư sống ven suối của thôn Lừu 2, thôn Hát 1 và Hát 2 xã Hát Lừu; vùng lũ ống, lũ quét ở thôn Hát 1, Hát 2 xã Hát Lừu; khu 1 thị trấn Trạm Tấu; thôn Sáng Pao, Suối Giao, Háng Xê, Tà Đằng xã Xà Hồ, thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ.
Các khu vực sạt lở đất ở hầu hết các khu vực dân cư, trọng điểm là trục đường 174 đường Trạm Tấu - Nghĩa Lộ (Km 14, Km 20 + 300, Km 21, Km 22, Km 22 + 600, Km 26 + 100, Km 19 + 900); đường Trạm Tấu - Bắc Yên; đường liên xã, đường khu 4, 5 thị trấn, thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, đường lên trụ sở xã Pá Hu, đường lên trụ sở xã Xà Hồ, thôn Háng Thồ, khu Cang Chi Khúa thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ; thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu; đường Bản Mù - Làng Nhì, đường đi Tà Xi Láng; khu dân cư thôn Phình Hồ, xã Phình Hồ; khu thôn Búng Tầu, xã Hát Lừu... Vùng rét đậm rét hại, mưa tuyết ở tất cả các khu vực dân cư trên địa bàn toàn huyện; trọng điểm là thôn Sán Trá, xã Bản Công; thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ; thôn Háng Gàng, xã Pá Hu...
Để đối phó với các tình huống trên, huyện Trạm Tấu chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các xã, thị trấn duy trì nghiêm túc chế độ trực PCTT - TKCN 24/24 giờ vào mùa mưa bão, tổ chức lực lượng ứng cứu trực PCTT - TKCN trong thời gian trọng điểm có bão lũ xảy ra. Đặc biệt, khi có thiên tai xảy ra, cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Nắm chắc diễn biến phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, lực lượng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng tránh, triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn, nhanh chóng đưa nhân dân đến khu vực sơ tán an toàn, tổ chức TKCN kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện... chủ động trong việc ứng phó với thiên tai. Trong đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Cùng với trực PCTT - TKCN 24/24 giờ, phối hợp với cơ quan Quân sự huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huy động lực lượng, phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ phòng chống lũ bão, đơn vị còn chủ trì tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, xử lý các tình huống hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân”.
Văn Tuấn