Gia đình ông Hoàng Hữu Khanh ở thôn 3, xã Động Quan, huyện Lục Yên trồng 250 gốc tre măng Bát độ từ năm 2010 trên khu đồi thấp sau nhà theo kiểu quảng canh. Do vậy, mỗi năm, vườn tre măng Bát độ chỉ cho ông Khanh thu chưa đến chục triệu đồng từ bán măng và so với hiệu quả thực tế từ cây tre măng Bát độ mang lại thì rất thấp. Năm 2018, với sự hỗ trợ phân bón, kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện, gia đình ông đã bắt đầu cải tạo lại diện tích tre măng Bát độ già cỗi, hiệu quả thấp và ông Khanh hy vọng, sau khi cải tạo, cây tre sẽ cho nhiều măng, măng mập để thu nhiều tiền hơn những năm trước.
Cũng ở Động Quan, hơn 200 gốc tre măng Bát độ của ông La Văn Mùi, ở thôn 1 được trồng từ năm 2014 ngay tại khu đất vườn sau nhà. Do chưa chăm sóc tre sau mỗi đợt thu hoạch đúng kỹ thuật nên mỗi năm ông Mùi chỉ thu về từ 5 đến 6 triệu đồng tiền bán măng. Ông cũng đã được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ cải tạo tre măng Bát độ để nâng cao thu nhập, phát huy hiệu quả kinh tế cao hơn.
Vườn tre măng Bát độ của gia đình ông Khanh và ông Mùi ở xã Động Quan chỉ là một trong nhiều diện tích tre măng Bát độ trên địa bàn huyện Lục Yên cần được chăm sóc, cải tạo. Hiện nay, huyện Lục Yên có khoảng 160 ha tre măng Bát độ đang trong giai đoạn kinh doanh. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, đa số diện tích măng đã gần 10 năm tuổi, năng suất thấp do người dân chưa thực sự chú trọng đầu tư thâm canh, chăm sóc, khai thác đúng kỹ thuật, nhất là những diện tích trồng từ năm 2010...
Cây tre măng Bát độ được huyện Lục Yên trồng thử nghiệm với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích chủ yếu được trồng tại các xã: Động Quan, Phúc Lợi, An Phú, Khánh Hòa, Lâm Thượng và Khánh Thiện. Ông Lý Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Động Quan cho biết: "Sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn tiến hành cải tạo những diện tích vốn đã già cỗi”.
Trong năm 2017, Trạm lựa chọn 1 mô hình tại xã An Phú để thực hiện thí điểm; hỗ trợ 100% phân bón, cử khuyến nông viên xuống trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Theo đánh giá chuyên môn, việc đầu tư, thâm canh chăm sóc tre Bát độ theo đúng quy trình sẽ có tác dụng giúp cây sinh trưởng, phát triển xanh tốt hơn, măng to, dài và non hơn. Đồng thời, so sánh với lối canh tác truyền thống của bà con thì năng suất, chất lượng cũng như giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng trên 240%. Đặc biệt, hiệu quả kéo dài trong những năm tiếp theo đó, do tác dụng của việc "trẻ hóa” cây mẹ nhờ chặt bỏ cây già cỗi để cây măng mới lên thay thế.
Ông Trần Quang Vinh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên cho biết: "Năm 2018, thực hiện mô hình "Dân vận khéo” gắn liền với thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình cải tạo cây tre măng Bát độ ở xã Động Quan và xã An Phú. Trạm đã cử cán bộ khuyến nông xuống các hộ trực tiếp hướng dẫn bà con. Tới đây, Trạm sẽ tổng kết, đánh giá mô hình và sẽ nhân rộng giúp bà con phát triển kinh tế từ loại cây này”.
Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên là người dân trên địa bàn cần chú trọng đầu tư, thực hiện đúng kỹ thuật canh tác để cây tre măng Bát độ thực sự là cây mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Duy Khánh