Năm 2005, khi Công ty Cà phê Yên Bái giải thể, ông Nguyễn Đức Dũng và một số anh em cùng làm việc trong Công ty đã góp vốn mua lại tài sản thanh lý để thành lập Công ty Yên Thành. Khi mới thành lập, Công ty gặp vô vàn khó khăn về bộ máy nhân sự, về vốn.
Năm 2006, nhận thấy Yên Bái có vùng nguyên liệu gỗ dồi dào, trong khi công nghệ chế biến gỗ chưa phát triển, Công ty đã đầu tư 3 máy bóc gỗ sản xuất ván bóc.
Vừa làm vừa học hỏi, xưởng gỗ bóc ngày càng phát triển và sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường và mở rộng quy mô. Năm 2010, sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn, do phải cạnh tranh với nhiều xưởng ván bóc trên địa bàn và nguồn nguyên liệu ngày càng eo hẹp, doanh nghiệp quyết định đầu tư trên 3 tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền ván ép và đầu tư dàn máy sấy sử dụng hơi nước, sấy khô thành phẩm, khắc phục được điều kiện thời tiết mưa nhiều ở Yên Bái.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, Công ty Yên Thành luôn đảm bảo sản xuất và giao hàng đúng hạn. Từ chỗ chỉ có sản phẩm chủ lực là ván bóc, đến nay, Công ty sản xuất thêm gỗ xẻ thanh nan phục vụ công nghệ chế biến ván ghép thanh và sản phẩm ván ép.
Trung bình hàng năm, Công ty cung cấp cho thị trường trên 10.000 m3 sản phẩm gỗ thành phẩm. Bên cạnh sản xuất gỗ rừng trồng thì trồng và chế biến măng tre Bát độ mới là thế mạnh của Công ty. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, Công ty đã bắt tay với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu.
Cụ thể, đã ký trực tiếp với nông dân trồng tre măng Bát độ, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm. Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu tre măng Bát độ hơn 500 ha ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, góp phần tích cực giúp nông dân có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Chủ động được nguyên liệu.
Hàng năm, Công ty sản xuất trên 2.000 tấn măng tre các loại và sản phẩm măng tre xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty Yên Thành cho biết: trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty rất chú trọng đến mô hình sản xuất kinh doanh chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị từ nông dân sản xuất ra đến doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu.
Bên cạnh liên kết với các hộ nông dân trồng tre măng, Công ty liên kết, liên doanh và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số HTX sản xuất nông nghiệp với 2 sản phẩm là gỗ bóc và măng Bát độ. Trong đó, doanh nghiệp đi sâu vào sản phẩm măng Bát độ vì ảnh hưởng đến nhiều hộ nông dân hơn, nhiều hợp tác xã hơn, nhiều thành viên hơn.
Công ty ký hợp đồng liên doanh, liên kết từ 20 - 30 năm với các HTX, tổ hợp tác điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Doanh nghiệp hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật từ khâu trồng trọt đến đầu tư tiền vốn để các HTX thu mua sản phẩm cho nông dân; cử cán bộ cầm tay chỉ việc cho người nông dân thông qua các HTX cùng với cán bộ HTX mua được sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất, trong đó, có một phần do nông dân trực tiếp sơ chế, có một phần đầu tư cơ sở vật chất cho HTX để sơ chế sản phẩm của nông dân.
Tiến tới, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn các HTX có thể sơ chế, chế biến được sản phẩm có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở ngay các HTX.
Nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý, trung bình mỗi năm, doanh thu của Công ty đạt trên 80 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 200 công nhân với mức lương trung bình từ 5,5- 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh việc tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty Yên Thành còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Văn Thông