Bà Lê Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) cho biết: "Dự án do Trung tâm thực hiện từ tháng 10/2015 đến hết tháng 9/2018 tại 6 thôn là Pá Te, Tà Chử, Háng Tầu (xã Túc Đán), Đèo Thao, Tiến Minh, Trại Phung (xã Tân Nguyên) với nhiều hoạt động thiết thực dựa theo tiêu chí "trao cần câu" cho hộ nghèo tự phát huy nội lực. Từ các hoạt động ấy, đã góp phần nâng cao điều kiện sống, thu nhập trung bình của người dân lên 45,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 20,8%".
Trước khi tổ chức thực hiện Dự án, Trung tâm đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án ở 2 xã cùng 6 thôn thực hiện Dự án tổ chức các cuộc khảo sát, thu thập thông tin, số liệu đầu vào. Từ đó, thống nhất đảm bảo các hoạt động diễn ra phù hợp, đúng với kế hoạch của Dự án. Ban điều hành Dự án cũng đã tổ chức thực hiện 125 đợt giám sát, điều chỉnh, xử lý kịp thời những tồn tại, phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo Dự án, Trung tâm thực hiện hỗ trợ xây dựng 4 mô hình kinh tế gia đình, đó là: thâm canh tăng năng suất lúa, trồng ngô nếp tím (đối với 3 thôn xã Túc Đán), trồng nấm, trồng chanh tứ thời (đối với 3 thôn xã Tân Nguyên). Mỗi mô hình là một cách làm mới, tạo sinh kế phù hợp với nhận thức, tập quán canh tác của đồng bào.
Dưới sự hỗ trợ của Dự án cả về kỹ thuật và vật chất, 105 hộ thực hiện mô hình thâm canh tăng năng suất lúa ở xã Túc Đán đã thực hiện mô hình có hiệu quả, năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, tăng 3,5 tấn/ha so với lúa truyền thống; 96% hộ tham gia mô hình trồng ngô nếp tím cho thu hoạch bình quân 2.000 đến 2.500 bắp, thu về khoảng 23 triệu đồng/ha, tăng 85% so với ngô truyền thống.
Bà Thào Thị Giang ở xã Túc Đán chia sẻ: "Tham gia mô hình trồng ngô nếp tím, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật, được cán bộ lên nương hướng dẫn trực tiếp, được hỗ trợ ngô giống, phân bón... Ngô sau thu hoạch không những cho năng suất cao, giá trị cũng cao hơn trước. Từ đó, gia đình đã năng động tiếp cận thị trường tiêu thụ, sản phẩm bán khá tốt, mang về thu nhập khoảng 650.000 đồng/người/tháng. Đây là cơ hội để những người nghèo chúng tôi tự mình vươn lên".
Tại xã Tân Nguyên, mô hình trồng nấm rơm, nấm sò cũng đang tiếp tục phát triển tốt và nhân rộng, mặc dù những ngày đầu triển khai gặp khó khăn do thời tiết. Hiện nay, 45 hộ ở 3 thôn tham gia mô hình trồng nấm cho thu từ 80 - 130kg/lứa (4 tháng), tăng thu nhập từ 631.000 đồng/người/tháng lên 850.000 đồng/người/tháng.
Đối với mô hình trồng chanh tứ thời hiện nay mới trong giai đoạn trồng sau 2 năm; tuy nhiên, những hộ chăm sóc tốt đã cho thu hái từ 50 - 100kg quả/hộ, góp phần tăng 48,7% thu nhập so với trước Dự án.
Sau 3 năm thực hiện, những đóng góp của Dự án vào quá trình phát triển cộng đồng ở địa bàn còn khá khiêm tốn; tuy nhiên, đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền hỗ trợ người dân tăng thu nhập và giảm nghèo.
Hơn nữa, Dự án còn có 1 điểm đặc biệt, đó là sự thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào thông qua việc tham gia lập kế hoạch sản xuất kinh tế, hạch toán thu chi, áp dụng tiến bộ khoa học và kiến thức vệ sinh môi trường thông qua việc hỗ trợ làm nhà vệ sinh, xử lý rác thải nông nghiệp, ủ phân vi sinh.
Kết thúc Dự án, đã có 76,3% hộ sử dụng phân ủ hữu cơ vi sinh cho mô hình, vượt 56,3% so với cam kết ban đầu của Dự án với nhà tài trợ; các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh môi trường giảm bình quân 25,3%.
H.A