Năm 2018, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) ở Văn Chấn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện kịp thời của các cấp, ngành, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nên hoạt động SXCN của Văn Chấn vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành hàng là thế mạnh vẫn giữ được sự ổn định về sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn có 185 doanh nghiệp hoạt động công nghiệp.
Cụ thể, sản phẩm chè chế biến có 9 công ty cổ phần; 19 công ty TNHH; 26 doanh nghiệp tư nhân; 19 hợp tác xã. Sản phẩm khai thác và chế biến đá các loại có 5 công ty cổ phần; 10 công ty TNHH; 2 doanh nghiệp tư nhân; 3 hợp tác xã; điện thương phẩm 7 công ty; sản phẩm khai thác quặng sắt có 10 công ty cổ phần, 2 công ty TNHH...
Tính đến hết tháng 10/2018, giá trị SXCN của huyện Văn Chấn (theo giá hiện hành) ước đạt 1.370,5 tỷ đồng, tăng 4,07% so với 10 tháng năm 2017; trong đó, chè chế biến 17.339 tấn, điện thương phẩm 377,5 triệu kwh; quặng sắt 82.000 tấn; đá các loại 235.704 m3, ván bóc 20.936 m3; gạch các loại 38,17 triệu viên... Giá trị SXCN năm 2018 ước đạt 1.710,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2017.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song qua đánh giá các cơ quan chức năng cho thấy, SXCN của Văn Chấn thời gian qua vẫn còn một số yếu kém cần khắc phục như: giá trị tăng thêm còn thấp; nhiều lĩnh vực sản xuất mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa chế biến sâu, nên giá trị sản xuất chưa cao; hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quy mô đầu tư còn nhỏ, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh còn hạn hẹp; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ; sản phẩm còn đơn điệu, tính cạnh tranh không cao; công tác bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa được chú trọng đúng mức...
Ông Đinh Văn Trường - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Chấn chia sẻ: để tạo động lực cho SXCN có bước phát triển mới, thời gian tới huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục thực hiện tốt kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào SXCN; tập trung phát triển thêm các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như: khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản...
Nâng cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động sản xuất, khai thác khoáng sản, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo môi trường. Có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tăng cường quản lý và kiểm tra việc thực thi chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào cụm công nghiệp Sơn Thịnh và các điểm ở các xã, trung tâm cụm xã để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Quang Thiều