Phòng chống đói, rét cho gia súc: Chủ động làm tốt nhưng không chủ quan!

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/1/2019 | 10:59:54 AM

YBĐT - 

Người dân xã Nậm Búng bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò ngày giá rét.
Người dân xã Nậm Búng bổ sung thức ăn tinh cho trâu bò ngày giá rét.

Mưa phùn liên miên, rét đậm, rét hại kéo dài. Từ trung tâm huyện Văn Chấn, chúng tôi đến xã Gia Hội trong cái rét cắt da, cắt thịt. Chủ tịch UBND xã Gia Hội Lò Văn Tần cho biết: "Hiện toàn xã có 1.273 con trâu, bò. Những ngày này, nhiệt độ ở đây luôn dưới 10 độ C. Toàn bộ số trâu, bò trong xã đã được bà con đưa về chuồng, đốt lửa sưởi ấm, che chắn chuồng trại thật kín”.


Các thôn Nam Vai, Nà Kè, xã Gia Hội lúc này đều vắng tanh, người dân ở nhà trú rét và chăm sóc cho trâu, bò. Bà Hà Thị Vân ở bản Nà Kè đang chăm sóc 2 con trâu, bà cho biết: "Khi trời chuyển lạnh, lập tức lùa trâu về nhốt ở chuồng. Trước đó, đã dự trữ rơm khô để đàn trâu chống đói. Hàng ngày, đều băm cây chuối, trộn bột ngô, sắn nấu cháo cho trâu”. 

Gia đình chị Lò Thị Hoa ở thôn Nam Vai có 10 con trâu đều được nuôi nhốt trong chuồng, chị nói: "Đợt rét năm ngoái đã làm chết 1 con trâu và 1 con nghé. Năm nay, làm chuồng kiên cố, che chắn bạt ni lông cẩn thận, mình còn cho chúng ăn đủ rơm rạ và bổ sung thức ăn tinh”. 

Tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, gia đình anh Triệu A Nhị - một hộ nuôi trâu lớn nhất nhì thôn Nậm Pươi, khi được cán bộ xã thông báo trời rét đậm, rét hại, nên từ mấy ngày trước đã lùa 12 con trâu về chuồng để chăm sóc. Chuồng trại đã được căng bạt che xung quanh; cỏ và rơm khô cũng được dự trữ từ trước để tiện cho việc chăm sóc cho đàn trâu trong mùa đông. 

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thông tin: Văn Chấn hiện có 29.000 con trâu, bò.  Đầu năm 2018, hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm 154 con trâu, bò già yếu và bê, nghé mới sinh chết rét. Người dân đã làm 200 cây rơm, trồng hơn 1.748 ha cây ngô đông để lấy lá làm thức ăn cho trâu, bò. 

Ngay trước đợt rét này, huyện đã mở 30 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng chống rét cho trâu bò tới 1.500 hộ dân ở các xã vùng cao vùng thượng huyện; cấp phát 3.300 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật chống rét cho trâu, bò. Từ đầu tháng 12/2018 huyện đã huy động tất cả cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, cán bộ phụ trách địa bàn của huyện xuống xã chỉ đạo việc chống rét cho gia súc. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có đàn trâu 108.000 con, đàn bò 28.000 con. Vụ đông xuân 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thời tiết cực đoan, rét hại kèm theo mưa tuyết kéo dài làm chết 1.264 con gia súc: huyện Trạm Tấu 538 con, huyện Mù Cang Chải 397 con; huyện Văn Chấn 154 con... 

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Ngành nông nghiệp đã tăng cường cán bộ xuống kiểm tra, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật. Trong đó, bổ sung thức ăn tinh và cho trâu bò ăn đủ cỏ rơm, dùng củi đốt sưởi cho gia súc, đun nước ấm cho trâu bò uống và dùng chăn cũ hay bao tải may áo chống rét cho trâu bò, tuyệt đối không cho trâu, bò ra ngoài chăn thả ngoài đồng và cày kéo trong những ngày này”. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa qua sau khi thị sát công tác chống rét của một số địa phương trong tỉnh đã đánh giá cao sự chủ động của Yên Bái, đặc biệt tại các huyện vùng cao trong phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. 

Tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi (hỗ trợ 100% vacxin tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc; 15 - 20 triệu đồng để bà con xây dựng chuồng nuôi; hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò; hỗ trợ 300.000 đồng/cây rơm cho các hộ chăn nuôi gia súc gặp khó khăn về diện tích chăn thả; tuyên truyền, phát động phong trào trồng cỏ, ngô sinh khối... 

Thứ trưởng lưu ý, Yên Bái tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi. Trong tổng số 42.000 hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn còn khoảng 2.200 hộ chưa có chuồng đảm bảo chống rét (chiếm tỷ lệ 5%). 

Bên cạnh đó, số hộ có thức ăn dự trữ mới chỉ đạt 83%; tổng diện tích trồng cỏ toàn tỉnh đạt khoảng 2.700 ha, sản lượng hàng năm ước khoảng 500.000 tấn, chỉ đáp ứng được khoảng 35% thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn.

Trên địa bàn hiện nay chưa xuất hiện gia súc chết rét. Tuy nhiên, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại còn tiếp tục diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. 

Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường cán bộ xuống cơ sở kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; hướng dẫn nông dân chủ động nguồn thức ăn, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi. 

Các xã cũng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết thông báo cho người dân để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Tổ chức tốt công tác điều hòa cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt…

Sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của cơ sở Ánh Dương đạt giải Nhì Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018.

YBĐT - Năm 2018, thị xã Nghĩa Lộ có 4 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chủ động nguồn thức ăn mùa đông cho gia súc bằng thân và lá ngô. (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Những năm gần đây thường có rét đậm rét hại là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh như lở mồm long móng ở gia súc và dịch tả, tụ huyết trùng trên gia cầm.

YBĐT - Tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2018, thành phố đã hỗ trợ 126 dự án phát triển chăn nuôi lợn, gà, thỏ Newzealand, nuôi cá bán thâm canh với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. 



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục