Yên Bái: Nông thôn mới lan tỏa sắc xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/2/2019 | 9:02:17 AM

YênBái - Năm Mậu Tuất qua đi, đánh dấu một năm "tam nông” Yên Bái giành thắng lợi toàn diện, nhất là trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Yên Bái.
Chăn nuôi đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Yên Bái.

Đón xuân mới Kỷ Hợi - 2019, hòa quyện cùng sắc xuân của đất trời là mùa xuân của lòng người - một mùa xuân tràn đầy khát vọng xây đời sống mới với niềm tin và hy vọng, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho phát triển, sự chuyển mình không chỉ có ở 46 xã đạt chuẩn NTM mà ở cả 180 xã, phường từ vùng thấp đến vùng cao Yên Bái.

Chương trình XDNTM không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới cho mọi miền quê, mà còn làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân. 

Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt trên 6.011 tỷ đồng (giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.080 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt trên 1.538 tỷ đồng; thủy sản đạt trên 258 tỷ đồng). Đặc biệt, giá trị sản xuất trên mỗi héc - ta đất trồng trọt đạt 59 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2017; 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 129 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng. 

Với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, toàn tỉnh đã có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 46 xã. Trong niềm vui đón xuân mới, nhân dân những xã NTM thêm vui khi đời sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi thay mỗi ngày. 

Càng phấn khởi hơn khi phương thức tổ chức sản xuất, tư duy làm nông nghiệp của người dân đang thay đổi tích cực và chuyển từ nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. 

Nông dân, nông thôn đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch. Nền nông nghiệp phát triển toàn diện, nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nhâm Xuân Trường khẳng định: "Cái được lớn nhất trong thực hiện Chương trình XDNTM ở Yên Bái trong những năm qua cho đến nay không chỉ là đã có 46 xã đạt chuẩn mà cái được chính là hầu hết các địa phương đã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn đều lấy phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn”. 

Có thể nhận thấy rõ nét nhất là, XDNTM đã tạo ra sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng xã hội, được người dân tích cực tham gia, hưởng ứng. Người dân, cộng đồng đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào XDNTM ở địa phương mình. 

Chúng tôi đã về xã Y Can, huyện Trấn Yên. Với người dân nơi đây, không khí xuân dường như đến sớm hơn, bởi Y Can vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động nhân dân để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích XDNTM. Khi lòng dân đồng thuận thì mọi công việc triển khai thuận lợi. 

Đường làng, ngõ xóm đã cơ bản được bê tông hóa phẳng phiu. Dọc các tuyến đường là nhà xây, là ruộng vườn xanh màu ấm no, trù phú. Từ một xã nghèo của Trấn Yên, nay Y Can đã có nguồn thu từ trồng trọt đạt 20 tỷ đồng, thu từ phát triển lâm nghiệp trên 17 tỷ đồng và thu từ chăn nuôi gần 17 tỷ đồng, đó là những con số không hề nhỏ ở một xã thuần nông. 

Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt 30,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8%. Ngoài việc phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt, vài năm trở lại đây, người dân còn chuyển diện tích đất màu, đất soi bãi, đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu với diện tích hàng chục héc - ta mang lại giá trị rất cao. 

Bình quân thu nhập trên mỗi héc - ta trồng dâu, nuôi tằm đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng/ha. Trong quá trình XDNTM, người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư, đất vườn, ruộng, nương để mở rộng đường giao thông và tự nguyện ủng hộ 67.400 triệu đồng, chiếm 49,6 % tổng nguồn vốn đầu tư. 



Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Rời Y Can trong nắng xuân vàng tươi, ngược đường đến xã vùng sâu Tân Đồng - xã đầu tiên của huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM. Sự đổi thay rõ nét nhất từ khi Tân Đồng bắt tay vào XDNTM không chỉ là cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, nhất là hệ thống giao thông đáp ứng cho phát triển, nhất là việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, sản xuất hàng hóa, thúc đẩy sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Từ một xã nghèo nhất nhì huyện, người dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, thì nay Tân Đồng là một trong những xã điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Một tư duy mới, cung cách làm ăn mới trong nhân dân đã phát huy hiệu quả rõ nét. 

Đơn cử như việc trồng dâu nuôi tằm, trước đây bà con làm tự phát, mạnh ai người nấy làm, nay người dân chuyển đổi hàng chục héc - ta ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu với khối lượng lớn. Song song với đó là áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. 

Hiện, Tân Đồng đã có 265 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với diện tích dâu trên 130 ha, sản lượng kén hàng năm đạt trên 130 tấn bán thu về hơn 20 tỷ đồng. Cùng với trồng dâu nuôi tằm, Tân Đồng còn phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, nhất là cây quế với diện tích 1.800 ha mỗi năm cũng đem về cho người dân cả chục tỷ đồng. 

Tết này ở Tân Đồng chẳng còn mấy người lo toan chuyện thoát nghèo. Cái mà bà con ở đây hướng đến là làm giàu, tập trung xây dựng làng văn hóa, thôn NTM. Cội nguồn của những chuyển biến tích cực ấy, đó là kết quả của phong trào XDNTM. 

Tân Đồng và Y Can chỉ là 2 trong số 46 xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Cái rõ nét hơn đó là nông nghiệp nông thôn đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và XDNTM. Sản xuất đã có sự liên kết ổn định trong tiêu thụ sản phẩm. Chương trình XDNTM đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức bật cho tam nông chuyển mình. 

Thanh Phúc

Tags Tân Đồng Y Can

Các tin khác
Ngành dệt may hướng đến kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019 theo hướng sản xuất xanh, năng suất tốt.

Hoạt động xuất khẩu năm 2019 được nhận định có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cùng sự đổi mới sáng tạo của DN.

Xuân này, cùng với Lương Thịnh của Trấn Yên, Đại Minh- huyện Yên Bình, những vùng cây ăn quả có múi ở Văn Chấn, Lục Yên và các địa phương của tỉnh Yên Bái phấn chấn vì cây trái được mùa, giá cả ổn định.

Có thể nhận định, thị trường trước Tết năm nay ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đây là tín hiệu vui, giúp người tiêu dùng Yên Bái đón xuân mới Kỷ Hợi an toàn, vui tươi và đầm ấm để bước sang một năm mới với những kỳ vọng, thành công mới.

Một mùa xuân nữa đang về trên quê hương Yên Bái ghi dấu thêm những cây cầu Tuần Quán, Bách Lẫm đã và đang vươn mình nối những làng quê hiền hoà ven sông Hồng với nhộn nhịp phồn hoa đô hội chỉ bằng vài bước chân qua. Xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, điểm đầu kia của hai cây cầu từ làng lên phố sẽ tạo động để xuân này Giới Phiên bứt phá đi lên, trở thành đô thị hạt nhân của thành phố bên hữu ngạn sông Hồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục