Năm vừa qua, huyện Văn Yên đã triển khai khá thành công các đề án: trồng tre măng Bát độ, phát triển chăn nuôi, thủy sản, trồng cây lâm nghiệp và các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đề án trồng tre măng Bát độ đã trồng được 72 ha cơ bản đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Với đề án phát triển chăn nuôi, huyện đã thực hiện giải ngân hỗ trợ 795 triệu đồng cho 49 cơ sở chăn nuôi theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện; trong đó, có 25 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; 1 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 30 con trở lên, 9 cơ sở nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên.
Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn, góp phần gia tăng đầu đàn gia súc, gia cầm.
Cùng đó, huyện cũng đã thực hiện đề án phát triển diện tích cây ăn quả với quy mô từ 0,5 ha/hộ trở lên và đã cấp 10.000 cây giống bưởi da xanh cho 37 hộ tại xã Đông An.
Đối với các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, huyện chỉ đạo, hướng dẫn chủ dự án hoàn thiện hồ sơ 4 dự án: chuỗi bưởi da xanh; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi chế biến măng tre Bát độ; chuỗi canh tác sắn bền vững trên đất dốc; chuỗi các sản phẩm quế và chuỗi trà quế.
Năm 2019, huyện Văn Yên đã đề ra các giải pháp cụ thể để tập trung phát triển nông nghiệp của huyện với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính là lợi thế để lập dự án, làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện; tăng cường quản lý, giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương.
Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; duy trì và phát triển các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, khuyến khích mở rộng quy mô trang trại, gia trại; gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Sử dụng hợp lý vốn đầu tư của ngân sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất; ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông lâm nghiệp.
Huyện đang duy trì 5.950 ha canh tác lúa 2 vụ, trong đó, sử dụng 70% các giống lúa lai có năng suất cao, vùng thấp tập trung cho sản xuất hàng hóa có diện tích 1.000 ha; hình thành vùng rau ở các xã: An Thịnh, Đại Phác, Yên Phú, Yên Hợp, Mậu Đông với diện tích 25 ha; tiếp tục vận động nhân dân phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô 10 con trở lên; chú trọng vào đàn lợn và phát triển các mô hình nuôi lợn nái kết hợp lợn thịt; chăn nuôi gia cầm tập trung với số lượng 1.000 con/ lứa; tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi các diện tích ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Anh Dũng